Xoa dịu và chữa lành

Trong không gian của nghệ thuật sắp đặt, khách tham quan tương tác với tác phẩm không dừng lại ở mức thưởng thức. Mỗi góc nhỏ mang một câu chuyện chia sẻ với những áp lực vô hình, tổn thương tinh thần ngày càng phổ biến trong giới trẻ.

Bước ra từ căn phòng bếp của triển lãm “Phiêu” (diễn ra tại The Joi Factory, 212/2B Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM), Phạm Nguyễn Minh Châu (21 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ: “Đôi lúc có nhiều kết nối bên ngoài, người ta quên mất kết nối và lắng nghe cảm xúc bên trong mình. Không áp lực cơm áo gạo tiền, một số bạn trẻ hiện đại như tôi cũng có những áp lực vô hình riêng và cố gồng gánh cho mình lớp vỏ bên ngoài phải thật lộng lẫy, thành công trong học tập, công việc… Mỗi căn phòng đều có chỗ để mình nhìn ngắm và viết ra những cảm xúc mà đôi khi không biết chia sẻ cùng ai”.

Không chỉ “Phiêu”, nhiều dự án nghệ thuật quan tâm hơn đến việc chia sẻ và chữa lành những tổn thương tinh thần trong giới trẻ. Triển lãm trực tuyến kết hợp công nghệ thực tế ảo về đồ vật và câu chuyện đằng sau do NÓI (một dự án phi lợi nhuận với chuỗi sự kiện được tổ chức trên tinh thần lan tỏa, kết nối, lắng nghe và truyền cảm hứng sống tích cực do các bạn trẻ tại TPHCM thực hiện) diễn ra trong tháng 9-2021, khi TPHCM đang giãn cách xã hội để chống dịch, đã thu hút hơn 7.300 bạn trẻ quan tâm. 

Khán giả Nguyễn Huy Hoàng (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “NÓI đã định hình chúng một cách khả quan và sống động, ít nhất là với trải nghiệm lần đầu tiên của bản thân tôi. Qua mỗi bức tranh, một câu chuyện của người viết hiện lên, và tôi thấy chính mình trong câu chuyện của họ, tưởng lạ mà thân thuộc làm sao. Những điều mà tôi chưa thể giãi bày cùng người thân hay bạn bè, đâu đó lại có sự đồng cảm, đồng điệu, dẫu không biết về nhau nhưng cảm giác có người hiểu mình cũng dễ chịu lắm”.

Sau triển lãm, những chia sẻ về tổn thương tâm lý vẫn đều đặn được các bạn trẻ gửi về fanpage, Minh Thư (Trưởng dự án NÓI) bày tỏ: “Mỗi người tham gia sẽ ẩn danh và kể câu chuyện của bản thân thông qua một đồ vật, chúng tôi thực hiện thành một bức tranh để trưng bày, đưa hình ảnh cùng câu chuyện đằng sau vật phẩm vào không gian triển lãm. Chúng tôi luôn tin rằng: sức khỏe tinh thần là một “mặt hàng thiết yếu” cần được quan tâm và chăm sóc. Được nói ra nỗi lòng mà không lo sợ ánh nhìn đánh giá của người khác, cũng là cách để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực cho giới trẻ chúng ta”.

Không ai hiểu trăn trở của nhau bằng những người cùng thế hệ, và khi họ cùng xây dựng nghệ thuật hướng đến giải quyết những vấn đề tâm lý trong giới trẻ hiện đại, sẽ mở ra nhiều cơ hội để xoa dịu và chữa lành cho nhau.

Tin cùng chuyên mục