Cả nước có tới gần 2.000 trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng bẩm sinh. Với những dị tật này nếu trẻ không được can thiệp kịp thời không chỉ bị biến dạng trên khuôn mặt mà còn khiến trẻ nhiễm nhiều bệnh hô hấp. Trong khi đó, việc phẫu thật để xử lý dị tật này không hề đơn giản. Tuy nhiên, Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu đầu tiên đã ứng dụng thành công kỹ thuật điều trị chỉnh hình xương và răng cho trẻ có khe hở môi, vòm miệng bẩm sinh ngay từ giai đoạn sơ sinh, giúp trẻ nhanh chóng tìm lại được nụ cười và xóa đi âu lo của những bậc cha mẹ không may có con bị dị tật trên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, với những dị tật này nếu trẻ không được phẫu thuật kịp thời rất dễ gây biến dạng trên khuôn mặt. Nguy hiểm hơn do sự thông thương giữa hốc mũi và hốc miệng khiến trẻ dễ bị sặc khi ăn uống và kéo theo nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, mũi họng. Hơn nữa, việc phải chịu đựng những khiếm khuyết về thể chất gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của bản thân những trẻ bị khe hở môi, vòm miệng mà gia đình còn phải chịu đựng nỗi đau về mặt tinh thần, trong đó ít nhiều có sự kỳ thị của xã hội. Trong khi đó, để phẫu thật xử lý dị tật trên, nhằm đem lại nụ cười cho trẻ lại không hề đơn giản và phải mất 6 - 18 tháng.
Tuy nhiên với việc phát triển, tiến bộ không ngừng trong lĩnh vực y học, Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên thành công trong việc áp dụng kỹ thuật điều trị chỉnh hình xương và răng cho trẻ có khe hở môi, vòm miệng bẩm sinh từ giai đoạn sơ sinh. BS bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, ưu điểm của kỹ thuật mới này là thay vì phải mất thời gian chờ đợi 6 - 18 tháng mới bước vào đợt phẫu thuật, trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng bẩm sinh sẽ được đặt khí cụ chỉnh hình trước phẫu thuật ngay khi mới ra đời.
Đặc biệt việc đặt khí cụ chỉnh hình trước phẫu thuật sớm có tác dụng rất lớn, che lỗ thủng ở vòm miệng, trẻ có thể bú sữa dễ dàng không bị sặc và trớ. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp điều chỉnh khung hàm về đúng vị trí, cân đối và nâng mũi cao giúp lỗ mũi không lệch vẹo, cũng như không gây sẹo xấu sau phẫu thuật… Việc tháo lắp các khí cụ chỉnh hình cũng khá đơn giản, các bác sĩ hướng dẫn một lần là cha mẹ có thể tự tháo lắp để vệ sinh sạch sẽ rồi lại lắp vào cho trẻ đeo trong suốt quá trình chỉnh hình. Khi trẻ đã trưởng thành, nếu tiếp tục được chỉnh hình răng mặt, phẫu thuật ghép xương và phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể có được một khuôn mặt bình thường, hàm răng đều đặn, cung hàm không bị bóp méo và phát âm bình thường như những người khác.
Đánh giá về kỹ thuật mới này, bác sĩ Cấn Phú Nhuận cho biết thêm, trước đây, những trẻ dị tật chưa được nắn chỉnh gặp vấn đề rất lớn trong quá trình nuôi dưỡng, bú sữa hay bị sặc, thậm chí nhiều trẻ sinh ra có cân nặng rất lý tưởng nhưng do không bú được, dần dần dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp. Tuy nhiên, phương pháp mới này tạo điều kiện cho bé bú tốt hơn, tận dụng nguồn nuôi dưỡng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời. Đây là điều vô cùng tuyệt vời dành cho trẻ để các em có thêm nhiều cơ hội tìm lại nụ cười của chính mình, cũng như để giải tỏa những âu lo của các gia đình
Minh Khang