Xóm nhang còn... người se nhang!

Xóm nhang còn... người se nhang!

Gần tết, tôi tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy nổi một gia đình nào làm nghề se nhang bằng tay còn tồn tại giữa xóm nghề làm nhang truyền thống ở quận 11 TPHCM. Gọi điện thoại đến UBND phường 3, phó chủ tịch phường rầu rầu nói: “Hết rồi anh ơi”. Lần hồi quay trở lại phường 2, lãnh đạo nơi đây cũng lắc đầu. Quày quã về phường 9, thời may chị Huệ, Phó Chủ tịch bảo: “Còn một hộ!”.

Tôi đi bán nhang 

Xóm nhang còn... người se nhang! ảnh 1

Máy se nhang. Ảnh: M.A.

Hồi đó nhà tôi ở trong xóm nhỏ người Hoa đối diện chùa Ông Nghĩa An. Cứ cận tết, các “chế” (chị) các “ý” (dì) trong xóm rủ nhau qua Xóm Đất (Q11) mua nhang về chia bó để bán. Cứ mỗi thiên (1.000 cây) nhang, các “chế” chia làm mười bó, mỗi bó 100 cây và giao cho các “hia” (anh) đem qua chùa rao bán. Hồi xưa bán nhang cũng có thứ có bậc, các “hia” độc quyền bán trong sân chùa, nơi dễ mời mọc nhất, còn ve vãn ngoài cổng là lũ “a chảy” lóc nhóc, trong đó tôi là thằng bé người Việt duy nhất tham gia bán nhang, giữ xe phụ mấy “hia”.

Bán nhang cũng có trăm mánh lới, tôi nhớ thằng Quấy hàng xóm lớn hơn mình vài tuổi, nó hay đạp xe chở tôi qua đường Hàn Hải Nguyên, Xóm Đất để mua nhang về cho mẹ nó bán. Đôi khi chúng tôi còn chui tuốt vào khu vực sau lưng Đầm Sen ngày nay, toàn lau sậy và cỏ lác, để mua nhang giá rẻ bị ướt nước mưa, màu trắng bàng bạc chứ không vàng tươm mắt. Mua nhang về nếu phải chia thành bó 100 cây sẽ bán không có lời nhiều, thằng Quấy biểu tôi lén rút bớt mỗi ốp nhang độ chừng 10 cây. Và như vậy cứ 10 bó nhang nguyên, chúng tôi “có dư” được 1 bó, đủ tiền mua cá lia thia, mua bi về bắn… Cha tôi mất sớm nên anh em tôi làm quen với nhang khói từ thuở biết nhận thức. Có năm cận giao thừa, tôi ôm một bó nhang to mà bán hết veo chỉ trong vài giờ đồng hồ, đổi lại là mua được cái áo sơ mi mới cứng cho thằng em trai. Mừng quá, tôi lại hộc tốc chạy qua Xóm Đất mua thêm mấy thiên nhang đặng bán trong các ngày tết. Thế mà, qua hết rằm tháng giêng, mình tôi vẫn còn “ôm” mấy thiên nhang mà mời mãi chẳng “qua mặt” được các “hia”, đành đem về thắp bàn thờ cho cha suốt năm với suy nghĩ: “Thôi, ai mà chẳng phải thắp nhang cho ông bà, tổ tiên. Cúng ông bà là thả lời cầu nguyện của mình bay lên trời theo làn khói, ông bà sẽ chứng giám và phù hộ mình trở nên… giàu có!”.

Nghề nhang cũng lắm công phu 

Hai con đường Xóm Đất-Hàn Hải Nguyên hồi xưa nhà ai cũng làm nhang. Cứ vào độ cận tết, nhang phơi vàng cả hai bên lề. Sắc nhang màu đậm đồng điệu cùng ánh nắng vàng chanh buổi sớm làm nổi bật chân nhang màu đỏ thẩm. Một thợ nghề (nay đã chuyển sang làm lò bánh mì) tên Huỳnh Văn Cư kể: “Mạt cưa thì ra chợ đồ gỗ Hà Tôn Quyền mua về, tre thì nông dân vót sẵn thành cọng mảnh rồi bán theo bó, mỗi bó 2.000 cây, giá 17.000 đồng/bó. Keo bột thì mua ở chợ Kim Biên theo ký. Cứ theo công thức của ông Lâm Chánh Phủa (một người thợ nhang gốc Quảng Đông, Trung Quốc nay đã mất) thì 15 lon (sữa bò) mạt cưa trộn cùng 1 lon keo bột thì ra một mẻ nguyên liệu. Riêng phần nhào bột với nước, chỉ theo kinh nghiệm của từng người mà pha cho đến khi khối bột dẻo như kẹo mạch nha là vừa. Khi se xong cây nhang, người thợ còn phải lăn trên lớp bột nghệ (pha với bột gỗ thông) cho sắc nhang có màu vàng và cũng để cho nhang không dính vào nhau, rồi mới đem phơi nắng… Công phu lắm!”.

Tôi dạo quanh các con đường Xóm Đất, Hàn Hải Nguyên quen thuộc mà chẳng còn thấy sắc nhang vàng đâu nữa. Chui đại vào một ngách hẻm, chỉ bắt gặp một nhà làm nhang bằng… máy se nhang. Ông thợ cứ liền tay nhấn bột nguyên liệu vào ống, phần dưới ống có một lỗ nhỏ vừa cọng chân nhang chui tọt qua. Sau mỗi nhịp tay đưa, chiếc chân nhang phủ dầy một lớp bột nhang màu nâu sậm được hình thành. Ông thợ chuyền nhanh cây nhang cho người bên cạnh để phủ lớp màu vàng, đem phơi. Với cách làm bằng máy như thế này, mỗi ngày người thợ làm đến 3 thiên nhang, hơn gấp rưỡi lần se nhang bằng tay, lại tròn đều và đẹp mắt. Thảo nào mà xóm nghề giờ chẳng thấy ai se nhang bằng tay nữa!

Người se nhang cuối cùng 

Xóm nhang còn... người se nhang! ảnh 2

Chị Muối đang phơi những cây nhang do chính mình se bằng tay.

Đó là chị Chấn Phùng Muối, nhà ở hẻm 268 Hàn Hải Nguyên, có lẽ là người còn se nhang bằng tay cuối cùng ở xóm nghề này! Chị Muối se nhang bằng tay vì nghèo, vì không có tiền mua máy se. Hỏi tại sao không vay quỹ xóa đói giảm nghèo mà mua máy, chỉ có 4,5 triệu đồng, chị Muối bảo: “Sợ không tiền trả”. Lại hỏi: “Vậy se nhang để làm chi mà không tiền?”, chị bảo: “Lấy công làm lời và để giữ nghề truyền thống mà thôi”.

Người làm nhang ở Xóm Đất-Hàn Hải Nguyên biết chị Muối từ khi chị đi làm nhang thuê cho chủ. Mãi… 18 năm trở lại đây, chị mới phải thay cha se nhang tại nhà. 12 giờ trưa, xong việc bếp núc nội trợ, chị Muối bắt đầu se nhang. Dụng cụ chỉ là chiếc bàn gỗ óng lên màu thời gian, bề mặt phủ một lớp bụi vàng thật mịn. Chị Muối ngồi xoải người, lăn đi lăn lại chiếc nhang dài 4 tấc, hết chiếc này đến chiếc khác rồi tâm sự giọng lơ lớ: “Ngộ piết nghề nên làm thôi, chớ ngộ làm quá chừng cũng chỉ được mười lăm ngàn một ngày thôi. Nị thử tính coi một pó nhang (500 cây) có 8.000 đồng. Mỗi ngày ngộ làm 3 pó, tính ra có 24.000 đồng hà, trừ vốn rồi chẳng còn pao nhiêu. Hồi xưa ngộ làm nhang trầm ngon lắm, mỗi ký pột trầm thứ thiệt pây giờ 1,5 triệu, ai dám xài chớ?”.

Tôi phụ chị Muối trải nhang lên những chiếc sào nhỏ cho nắng vàng ôm ấp hết mớ sản phẩm chị làm. Mùi thơm thơm của một tí trầm phảng phất nhưng không đủ át đi mùi… bột cưa hăng hắc! Mấy hôm nay cận tết, chị Muối phải làm gần 2 thiên mỗi ngày so với lệ thường là 1,5 thiên mà cũng không đủ bán. Trộm nghĩ ai cũng phải đốt nhang, nếu mà đưa chị Muối ra làm nghề ở các khu du lịch thì nghề nhang cũng vang danh thiên hạ như những làng nghề khác. Phải rồi, cái sự tôn kính ông bà tổ tiên qua nhang, qua khói đâu chỉ là bỏ ra vài ngàn đồng, mua đại một bó nhang Hồng Công, Đài Loan mươi cây về đốt. Người mua nhang biết nhang của chị Muối làm bằng tay, nên vẫn có kẻ “trọng vọng” mà đến tận nhà đặt hàng. Biết đâu trong số đó, có những chú nhóc, như tôi ngày xưa, cũng gửi ước mơ của mình qua làn hương khói. May quá, vẫn còn... một người se nhang!  

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục