Kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18-7-1977 – 18-7-2012)

Xót xa tiễn các anh về

Xót xa tiễn các anh về

Ở Pạc Xoòng - một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Chằm Pa Xắc, Nam Lào có một nghĩa trang liệt sĩ của tình nguyện quân Việt Nam gồm hai ngôi mộ chôn chung: 4 liệt sĩ có tên và 4 liệt sĩ chưa rõ họ tên.

Từ sau ngày đất nước Lào hoàn toàn giải phóng, bà con Việt kiều ở Pạc Xoòng đã quy tập các anh về đây hương khói cúng viếng quanh năm. Đa số các anh hy sinh thời chống Pháp từ năm 1953, trong đó có anh Hoàng Văn Đậu. Anh Đậu làm lính trinh sát, lọt vào giữa lòng địch nắm tình hình chuẩn bị cho một trận đánh thì bị lộ. Anh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Giặc đã phơi thi thể anh rồi phục kích hòng bắt những người ở các cơ sở bí mật của cách mạng Lào. Nhưng bà con Việt kiều đã bí mật mang anh đi an táng ngay trước họng súng giặc.

Bà con Việt kiều và Lào ở Pạc Xoòng viếng mộ quân tình nguyện Việt Nam.

Bà con Việt kiều và Lào ở Pạc Xoòng viếng mộ quân tình nguyện Việt Nam.

Còn 4 liệt sĩ chưa rõ họ tên và đơn vị nhưng bà con đã dùng một tên chung để gọi họ: “Chiến - Sĩ - Việt - Nam”.

Tôi đến Pạc Xoòng thì hài cốt của những người lính tình nguyện Việt Nam đã được đưa về nước. Anh Đoàn Hữu Đấu, Chủ tịch Hội người Việt ở Chằm Pa Xắc, ngậm ngùi nói: “Các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh cho tình hữu nghị Việt - Lào, đã xa đất nước quê hương và gia đình hàng chục năm trời, để các anh nằm lại mãi mãi trên xứ bạn cũng tội. Nhưng tiễn các anh về rồi, bà con lại cảm thấy tiếc thương, trống vắng, hụt hẫng làm sao ấy”.

Chị An Thị Minh, Trưởng ban Phụ nữ của hội kể: “Lúc trung tá Lê Hòa đưa đơn vị quy tập mộ liệt sĩ từ Việt Nam đến Pạc Xê thì hội cử anh Ngữ, anh Sâm và chị em trong Ban phụ nữ lên Pạc Xoòng cất bốc hài cốt cả 8 anh về tập trung ở cây số 9. Chị Tơ vợ anh Đậu cũng có mặt. Chị ngồi sờ nắm đất đen là hình hài của chồng rồi nói: “Lúc anh đi, em mới tuổi 20. 45 năm chờ đợi anh về”…

Đêm đó, hơn 80 bộ hài cốt của chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam từ các tỉnh Salãvăn. Áttãpư, Sêkong cũng được đưa về cây số 9 Pạc Xê để làm lễ tiễn đưa các anh về nước. Đây không biết là đợt thứ bao nhiêu nhân dân 4 tỉnh Nam Lào tiễn đưa hài cốt chiến sĩ tình nguyện quân về Việt Nam. Lần này cũng thế, Đảng, chính quyền và nhân dân Chằm Pa Xắc đã làm “ngăn” (lễ cầu siêu theo phong tục đạo Phật ở Lào) cho các anh. Suốt đêm các sư sãi đã đọc kinh cầu nguyện cho vong hồn các anh được thanh thoát mà trở về với cha mẹ, vợ con và quê hương xứ sở. Hương hoa ngào ngạt, đèn nến sáng choang bên hài cốt các anh.

Từ đồng chí On Nưa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng đến binh sĩ và nhân dân Lào cùng bà con Việt kiều Pạc Xê, Pạc Xoòng, ai cũng thức trắng đêm với các anh. Trong đêm thiêng liêng ấy, người ta thấy chị em quê Pạc Xoòng ngồi quanh 4 cỗ quách vô danh có phủ 4 lá cờ đỏ sao vàng. Đó là hài cốt của 4 người chưa rõ mà đã có tên từ lâu trong lòng họ: Chiến - Sĩ - Việt - Nam.

Chị An Thị Minh lại kể: “Khi nhìn thấy chiếc xe cuối cùng đi khuất, lòng chúng tôi cảm thấy trống vắng lạ kỳ. Bố tôi cũng là liệt sĩ nên tôi rất xúc động trước cảnh tiễn đưa này. Nhưng chị Huệ, chị Kết và các chị khác không phải bà con ruột thịt gì với các anh mà họ vẫn sụt sùi nước mắt ngóng theo đoàn xe. Nhìn cảnh đó tôi mới thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của tấm lòng đồng bào đối với các liệt sĩ, với Tổ quốc: Khi nhìn các chiến sĩ quân đội Lào ra tiễn, thấy đôi mắt ngấn lệ và vẻ mặt kính trọng tiếc thương của họ, lòng tôi càng thương tiếc các anh. Mặc dù đang ở xa Tổ quốc nhưng cũng cảm thấy hết sức tự hào vì mình là con em của các chiến sĩ Việt Nam anh hùng đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả…”.

Quân đội và nhân dân Lào tiễn đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về nước.

Quân đội và nhân dân Lào tiễn đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về nước.

Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục