Như vậy, có thể nói, Việt Nam đã xác định rõ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cũng phải nói, hiện chi phí phát triển năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ hơn, trong khi chi phí cho than - nguồn năng lượng truyền thống cho sản xuất điện - ngày càng đắt đỏ hơn. Theo một số nghiên cứu, phát triển nguồn điện mặt trời mới có thể rẻ hơn so với việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có ở Việt Nam vào đầu năm 2022. Bởi chi phí cho than dài hạn, bao gồm cả chi phí vận chuyển, có thể tăng từ khoảng 47USD/MWh trở lên. Ngoài ra, đầu tư năng lượng tái tạo sẽ tạo thêm 465.000 việc làm mới, tính đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo TS Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu và giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), vấn đề trọng tâm của phát triển năng lượng tái tạo là tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là điều chỉnh giá điện phù hợp với giá thị trường. Chính phủ đã trợ cấp gián tiếp rất lớn để giữ giá điện và nhiên liệu hóa thạch ở mức thấp. Nhưng chính sách này không bền vững về mặt tài chính và làm bóp méo thị trường năng lượng ở Việt Nam, gây nên những thách thức cho việc đầu tư vào điện từ năng lượng tái tạo.
Trên thực tế, năng lượng tái tạo chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng năng lượng được sản xuất ra. Vì vậy, các chính sách ưu đãi về giá đối với năng lượng tái tạo là cần thiết và sẽ tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng của đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng xanh, đặc biệt là dự án điện mặt trời, để được hưởng mức giá FiT-Feed-in-Tariffs ưu đãi là 9,35 cent/kWh (trong vòng 20 năm theo hợp đồng mua bán điện PPA-Power Purchase Agreement) trước khi chính sách này hết hiệu lực vào ngày 30-6-2019. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 30-6-2019, tổng cộng 82 nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 4,46GW đã được kết nối với lưới điện quốc gia. Nhờ vậy, năng lượng mặt trời hiện chiếm 8,28% tổng công suất điện của Việt Nam. Đây là minh chứng cho việc các nhà đầu tư rất hồ hởi với chính sách ưu đãi trong đầu tư năng lượng tái tạo. Các chính sách này đã và đang thu hút, trở thành xu hướng phát triển năng lượng bền vững cho tương lai.