Xu hướng Trung Quốc +1

Quan hệ căng thẳng do tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời gian qua tác động không nhỏ đến giao thương 2 nước. Trong bối cảnh đó, kết quả một cuộc thăm dò được công bố ngày 8-1 vừa qua cho thấy quan hệ Tokyo - Bắc Kinh gặp khó lại giúp các quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi khi nhiều doanh nhân Nhật Bản ngày càng cổ vũ cho phương án gọi là Trung Quốc + 1, tức là vừa làm ăn với Trung Quốc, đồng thời chuyển hướng qua vùng Đông Nam Á.

Theo cuộc khảo sát do 3 tờ báo Nikkei (Nhật), Global Times (Trung Quốc) và South Korea Mail Business (Hàn Quốc) đồng thực hiện vào tháng 12-2013, có đến 60% số chủ doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy “khó làm ăn” với các công ty Nhật Bản do quan hệ chính trị đang rất căng thẳng giữa 2 nước. Chỉ có 13% là cho rằng họ hoàn toàn có thể bỏ qua những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Không chỉ có các doanh nghiệp của Trung Quốc, 60% chủ doanh nghiệp Hàn Quốc cũng sẵn sàng hạn chế quan hệ kinh doanh với các công ty Nhật Bản mà lý do cũng bắt nguồn từ căng thẳng ngoại giao Nhật - Hàn liên quan đến tranh chấp biển đảo. Tuy nhiên, nếu các doanh nhân Trung Quốc, Hàn Quốc cảm thấy bất ổn, thì ngược lại, các đồng nghiệp Nhật Bản của họ lại rất thoải mái. 80% doanh nghiệp Nhật Bản xác định rằng họ không thấy khó khăn gì trong việc giao thương với Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.

Chỉ có điều các chủ doanh nghiệp Nhật Bản giờ có đôi chút ngần ngại hơn trong việc bỏ cả vốn liếng vào công cuộc kinh doanh với Trung Quốc, cho dù vẫn xác định nước láng giềng này vẫn là một thị trường béo bở. Theo khảo sát, 38% số doanh nhân Nhật Bản xem Trung Quốc là thị trường nhiều hứa hẹn nhất đối với họ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm 10% so với một cuộc khảo sát tương tự, được thực hiện vào cùng một thời điểm.

Để không bị gián đoạn làm ăn, giới kinh doanh Nhật đã đặt niềm tin vào ASEAN. Gần 2/3 chủ doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng khu vực Đông Nam Á, với 600 triệu người, là thị trường hứa hẹn nhất của họ. Theo Hãng tin AFP, trong giới kinh doanh Nhật Bản hiện nay, công thức thời thượng là Trung Quốc + 1. Hay nói cách khác, bên cạnh Trung Quốc, các công ty Nhật Bản ngày càng tìm cách mở rộng địa bàn kinh doanh ở nơi khác, chủ yếu là ở vùng Đông Nam Á, như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar... Chuyên gia Mitsumaru Kumagai, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật Bản), giải thích về công thức trên: “Tốt hơn hết là phải đa dạng hóa đầu tư, đặc biệt là vào vùng Đông Nam Á, để giữ một khoảng cách nhất định đối với Trung Quốc, qua đó tránh được các vấn đề tiềm tàng”.

Trong hơn 1 năm qua, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc không suôn sẻ do tranh chấp về quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Cùng thời điểm đó, quan hệ Nhật - Hàn cũng xấu đi do tranh chấp về đảo Takeshima/Dokdo trên biển Nhật Bản. Vừa qua, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe càng khiến các mối quan hệ này căng thẳng. Trong bối cảnh đó, đảm bảo công việc kinh doanh thật sự là thách thức đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Việc đa dạng hóa đầu tư, tìm kiếm các thị trường thay thế, sẽ là xu hướng tất yếu của giới kinh doanh xứ Phù Tang trong thời gian tới.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục