Xử lý “cục máu đông” nợ xấu

Như Báo SGGP đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu nợ xấu của hệ thống ngân hàng qua thanh tra lên tới 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ, cao gần gấp đôi số liệu về nợ xấu do các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo. Nợ xấu gia tăng nhanh khiến dòng vốn tín dụng bị ngưng trệ, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng – “cục máu đông” của nền kinh tế đang là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra.
Xử lý “cục máu đông” nợ xấu

Như Báo SGGP đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu nợ xấu của hệ thống ngân hàng qua thanh tra lên tới 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ, cao gần gấp đôi số liệu về nợ xấu do các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo. Nợ xấu gia tăng nhanh khiến dòng vốn tín dụng bị ngưng trệ, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng – “cục máu đông” của nền kinh tế đang là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra.

Vì sao nợ xấu tăng?

Theo số liệu từ NHNN, trong giai đoạn 2008 - 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân 26,56% nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu bình quân 51%. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ năm 2011 chậm lại đáng kể, đặc biệt là 5 tháng đầu năm 2012 dư nợ tín dụng không tăng nhưng nợ xấu tăng tới 45,5% do tình hình kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp suy giảm mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra giám sát Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng NHNN cho rằng, nợ xấu tăng nhanh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Từ năm 2011 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, đầu tư ngành xây dựng tăng chậm, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài. Chỉ số tồn kho tăng mạnh và ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước. Đến thời điểm 1-6-2012, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng như sức cầu tiêu dùng của nền kinh tế đang ở mức rất yếu, dẫn đến đọng vốn trong sản xuất kinh doanh và làm tăng nợ xấu của các TCTD.

Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn ngân hàng có tình hình tài chính suy giảm, kém lành mạnh hoặc kinh doanh thua lỗ. Theo kết quả giám sát của NHNN, đến cuối tháng 3-2012, trong hơn 1 triệu khách hàng được chọn mẫu khảo sát tại 57 TCTD của Việt Nam, có 10.782 khách hàng có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.

Cần có công ty mua bán nợ mang tầm quốc gia để trực tiếp mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Cao Thăng

Cần có công ty mua bán nợ mang tầm quốc gia để trực tiếp mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Cao Thăng

Trong khi đó, hầu hết các TCTD theo đuổi chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro của TCTD còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện. Một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng và nhiều TCTD tập trung đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn bất động sản. Khi các lĩnh vực này, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng và giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu lĩnh vực này tăng nhanh.

Cấp bách xử lý nợ xấu

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nợ xấu đang cản trở bước phát triển của nền kinh tế. Vì thế việc xử lý nợ xấu phải thực hiện một cách đồng bộ, không chỉ các NHTM, NHNN, các cơ quan liên quan mà bản thân doanh nghiệp vay vốn đang chịu nợ xấu cũng phải nỗ lực tìm phương án xử lý hiệu quả. Nếu không đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cái giá phải trả cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp, NHTM nói riêng sẽ rất lớn trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết hiện có 2 hướng xử lý nợ xấu: dựa vào thị trường và dựa vào Nhà nước. Giải pháp dựa vào thị trường là cho sáp nhập ngân hàng, giảm và mua bán lại nợ xấu theo cơ chế thị trường, chứng khoán hóa và hoán đổi nợ. Giải pháp dựa vào Nhà nước đòi hỏi sử dụng nguồn lực công để xử lý nợ xấu. “Theo quan điểm của tôi, có thể sử dụng nguồn lực Nhà nước để mua lại nợ xấu nhưng với một mức giá chiết khấu phản ánh đúng khoản nợ này. Đối với TCTD có nợ xấu quá cao, mất khả năng chi trả thì không nên mua lại nợ xấu mà Nhà nước nên tiếp quản, dọn dẹp sạch sẽ rồi bán lại cho nhà đầu tư mới”.

Theo số liệu của NHNN, hiện có đến 86% các khoản vay là có tài sản bảo đảm và giá trị tài sản bằng 135% giá trị nợ xấu. Vì thế, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nếu dùng quỹ dự phòng rủi ro và xử lý số tài sản bảo đảm này hoàn toàn có thể xử lý số nợ xấu hiện nay. Vấn đề còn lại là phải có những định chế đặc biệt để xử lý vấn đề này. TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, muốn thông được “cục máu đông” nợ xấu, đòi hỏi phải có một công ty mua bán nợ mang tầm cỡ quốc gia. Công ty này không chỉ trực tiếp tham gia mua bán nợ của các NHTM mà còn là định chế trung gian giúp kích thích hoạt động mua bán nợ xấu diễn ra trong nền kinh tế. Điều này sẽ giúp tăng thanh khoản, tạo sự sôi động cho thị trường mua bán nợ, giúp tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Cho đến nay đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu của NHNN vẫn chưa hoàn thành để trình Chính phủ. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trước mắt cần triển khai một số giải pháp để xử lý nợ xấu. Hiện NHNN đã yêu cầu các TCTD chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ. Bên cạnh đóù, NHNN sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Dự kiến trong tháng 8, NHNN sẽ ban hành thông tư mới về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ khác để xử lý nợ xấu. Cụ thể là các bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, có giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng hóa, giảm lượng hàng tồn kho và kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước. Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp sắp xếp, đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước gắn với việc xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp này. Các bộ, ngành và địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, quản lý chặt chẽ và bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh.

 Xử lý nợ xấu phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản và cần minh bạch. Định chế xử lý nợ phải có vai trò nhà nước lớn và quyền hạn đặc biệt vì phải xử lý nhanh và cương quyết. Định chế đó phải có cơ cấu đặc biệt với hỗ trợ của chuyên gia để định giá gần với thị trường hơn, tránh lợi ích nhóm

TS VÕ TRÍ THÀNH
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Để xử lý nợ quá hạn, giải pháp tối ưu là nên chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, tức là chuyển các khoản nợ xấu thành vốn góp cổ phần. Điều này sẽ lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, khi không còn áp lực trả nợ thì họ sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh. Còn về phía ngân hàng, sau khi chuyển nợ xấu thành cổ phần thì có thể bán cổ phần đó cho nhà đầu tư khác. Như vậy ngân hàng sẽ bảo toàn được vốn. Tuy nhiên, tùy theo từng loại nợ mà có thể áp dụng giải pháp này 

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục