Xử lý không nghiêm sẽ tiếp tay cho sai phạm

Vụ việc em Phạm Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM), phản ánh giáo viên dạy môn Toán “suốt 3 tháng lên lớp không nói gì với học sinh” đã khép lại bằng chỉ đạo của UBND TPHCM là giải quyết nhanh nguyện vọng chuyển trường cho em. Một cái kết theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu là “sẽ thiệt thòi cho em nhưng không còn cách nào khác”.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao hành động dũng cảm tố cáo sai phạm của giáo viên từ cô nữ sinh 17 tuổi được cho là đúng và cần thiết trong môi trường giáo dục đang hướng đến sự dân chủ, cởi mở, nhưng người phải chuyển đi là em chứ không phải giáo viên có hành vi sai phạm?
Vì sao một cô giáo từng nhận quyết định kỷ luật của Giám đốc Sở GD-ĐT cách đây 6 năm vì có hành vi không đúng chuẩn mực nghề giáo, nay tiếp tục vi phạm với cùng lỗi trên vẫn được lãnh đạo Trường THPT Long Thới tin tưởng, kêu gọi dư luận có cái nhìn “nhân văn hơn với cô” và tiếp tục đứng lớp giảng dạy học sinh?
Bi kịch này đã được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu gọi tên bằng những cụm từ như “xử lý thiếu tính kiên quyết”, góp phần tạo ra thế hệ “đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh”, đẩy sự trung thực vào thế đơn độc chống chọi bao nhiêu luồng dư luận. 
Xử lý không nghiêm sẽ tiếp tay cho sai phạm ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo cuộc họp khẩn liên quan đến vụ việc nữ sinh Phạm Song Toàn trong, ngày 6-4-2018.
Tương tự, trong vụ thầy giáo dạy Văn ở Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận) bị học sinh tố cáo dùng những lời lẽ không đúng chuẩn mực sư phạm, có hành vi khiếm nhã, thậm chí kích dục đối với học sinh nữ, hình phạt xử lý dành cho giáo viên này là “ngưng đứng lớp, chuyển công tác xuống làm nhân viên thư viện”.
Trước đó, khi sự việc mới được phanh phui, nhiều cựu học sinh trường này đã bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội về việc giáo viên này từng có biểu hiện như vậy nhiều năm học trước.
Song cách xử lý của nhà trường là hoán chuyển lớp cho giáo viên, không để thầy tiếp tục dạy những lớp có học sinh tố cáo sai phạm.
Lần này, khi bị học sinh gửi đơn yêu cầu ban giám hiệu xử lý, trường đã có động thái mạnh tay hơn là ngưng việc đứng lớp của giáo viên. Nhưng ai dám đảm bảo ở vị trí công tác khác, mỗi ngày vẫn được tiếp xúc, quản lý học sinh (bao gồm học sinh các lớp từng được thầy giảng dạy và học sinh ở những lớp khác), người giáo viên đó sẽ không lặp lại những lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh?
Phải chăng trong môi trường sư phạm, sự công bằng, dân chủ đã nhường chỗ cho những quy tắc ứng xử mang tính “đặc thù”, khi mọi trách nhiệm, quyền hạn đều nằm trong tay hiệu trưởng nên yêu cầu xử lý đúng người đúng việc cũng phụ thuộc “tình hình thực tế ở mỗi đơn vị”?  
Không thể phủ nhận sai phạm của giáo viên thời gian qua là hệ quả của hàng loạt nguyên nhân như sự yếu kém về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo, lỗ hổng từ sự quản lý của người đứng đầu cũng như những thay đổi trong mối quan hệ thầy - trò trước ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường.
Nhưng trên hết, khi những sai phạm chưa được xử lý một cách kiên quyết, triệt để sẽ khó tránh khỏi nguy cơ tái diễn ở môi trường khác, đối với những cá nhân khác. Đặc biệt, khi mọi giáo án ở trường học đều dạy học sinh tính trung thực, không được du di, thỏa hiệp với sai trái thì bài học thực tế lại khiến các em lo sợ, khiếp hãi vì “đấu tranh, không biết tránh đâu”. 
Thời đại nào cũng vậy, các thầy, cô với sứ mạng “trồng người” cần nêu cao vai trò nêu gương của mình, không thể đổ lỗi do hoàn cảnh hay cơ chế. Nói như chia sẻ của vị hiệu trưởng một trường THPT, không có học sinh hư, chỉ có học sinh chưa ngoan.
Trách nhiệm của người thầy là cảm hóa, giúp học sinh nhận thức được đúng, sai trong biểu hiện hành vi, lời nói để các em trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội chứ không phải đặt mình ở thế trên hoặc đối lập với học trò…

Tin cùng chuyên mục