Xử lý nghiêm các nhà máy thủy điện không đạt yêu cầu

Sáng nay 14-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn các về lĩnh vực được phân công quản lý. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc quy hoạch đầu tư và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế, xã hội; cơ chế điều hành giá xăng dầu, điện ra sao để hướng tới một thị trường cạnh tranh.
Xử lý nghiêm các nhà máy thủy điện không đạt yêu cầu

(SGGPO). – Sáng nay 14-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn các về lĩnh vực được phân công quản lý. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc quy hoạch đầu tư và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế, xã hội; cơ chế điều hành giá xăng dầu, điện ra sao để hướng tới một thị trường cạnh tranh.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đã đề cập đến giải pháp của trong việc chống độc quyền xăng dầu, điện. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị Bộ Công thương cho biết trách nhiệm trong việc để tồn tại quá lâu dài sự độc quyền? Giải thích yêu cầu xóa độc quyền điện là cấp bách nhưng lộ trình lại kéo dài 17 năm. Giải pháp nào để rút ngắn lộ trình?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận tình trạng độc quyền của ngành điện nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh, sự phát triển của ngành điện và quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Chính phủ đã đưa ra lộ trình đến năm 2012 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Trong đó, bắt đầu từ 1-7 sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh; từ năm 2014 sẽ vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh; và năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Bộ trưởng Hoàng cũng giải thích, sở dĩ lộ trình này tương đối dài vì thị trường điện Việt Nam hết sức mới mẻ từ từ nền kinh tế tập trung chuyển sang kinh tế thị trường cần phải có các bước đi, vừa làm vừa hoàn chỉnh và cũng bởi điện là mặt hàng đặc biệt liên quan đến đời sống nhân dân nên có bước đi thận trọng.

Cũng theo ông Hoàng, thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương tái cơ cấu, Bộ Công thương sẽ phối hợp các bộ ngành để tham mưu phù hợp hơn. Hiện các bước đi đã có là tách khâu truyền và phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như đã đã thành lập ba tổng công ty phát điện độc lập tách khỏi EVN, tiền đề để thị trường phát điện cạnh tranh.

Về kinh doanh xăng dầu, theo ông Hoàng, hiện đã có 12 đầu mối nhập khẩu, trong đó có cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh. 12 doanh nghiệp này cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm xăng dầu phục vụ cho sản xuất, đời sống. Thực hiện theo Nghị định 84 (về kinh doanh xăng dầu - PV), cơ quan quản lý sẽ thực hiện việc đa dạng hóa hình thức phân phối, thành phần tham gia, nếu kiên trì thị trường xăng dầu sẽ vận hành theo thị trường.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề quy hoạch và vận hành các nhà máy thủy điện. Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), Nguyễn Văn Minh (TPHCM), tập trung vào vấn đề hiện có nhiều thủy điện nhỏ, bên cạnh hiệu quả về an ninh năng lượng nhưng các thủy điện này cũng để lại nhiều hậu quả như phá rừng; hạn hán mùa khô, lũ mùa mưa, mất đất sản xuất.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, Việt Nam có hệ thống sông ngòi nhiều, việc phát triển thủy điện là để thực hiện chức năng cung cấp điện cho nền kinh tế, chống lũ mùa mưa, cáp nước mùa khô. Việc triển khai, khai thác các công trình thủy điện lớn đa mục tiêu là hết sức quan trọng do Việt Nam đang phải nhập khẩu nguồn năng lượng này. Trước việc thủy điện phát sinh các tiêu cực, ông Hoàng nhìn nhận, việc này là trách nhiệm của Bộ Công thương cùng các bộ, địa phương và phải làm sao tìm được giải pháp phát huy tận dụng lợi thế, hạn chế tối đa tiêu cực.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công trình thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều thủy điện nhỏ và đã loại 52 công trình không đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra và loại công trình không khả thi. Cũng theo ông Hoàng, khắc phục các bất cập của thủy điện, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát quy hoạch, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc quy định về phát điện, phòng lũ, cấp nước theo quy trình điều tiết hồ chứa đã được phê duyệt. Các chủ dự án phải tuân thủ, nếu sai phải khắc phục theo nguyên tắc: nếu lấy 1ha rừng phải trồng trả lại 1ha; di dời dân đến nơi ở mới phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi cũ.

Xung quanh vấn đề an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 mà các đại biểu thắc mắc, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận lưu lượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 là lớn và phải "nghiêm túc, xem xét xử lý". Các giải pháp khắc phục đã được đưa ra để đảm bảo tính an toàn còn việc di dân sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình kiểm tra qua sự phối hợp với Bộ Xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, khẳng định đập đã an toàn. Đập đã được một công ty Nhật tư vấn độc lập kiểm định. Đập đã an toàn thì không cần phải di dân.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục