Xử lý nghiêm khắc để chống tham nhũng

Đối với các hành vi tham nhũng, bên cạnh xử phạt nghiêm, cần tịch thu đồng tiền do tham nhũng có được. Có như vậy mới đủ sức cảnh tỉnh đối với những người manh nha tư tưởng muốn tham nhũng.

Tham nhũng là tha hóa quyền lực nhằm vơ vét tài sản nhà nước để vinh thân, thậm chí sẵn sàng đánh đổi “hy sinh đời bố để củng cố đời con”… Tham nhũng cùng với cơ chế kinh tế thị trường đang đẩy chủ nghĩa kim tiền lên ngôi, khiến một số người có chức, có quyền giàu lên một cách bất thường, nhanh chóng. Hiện tượng đó đi ngược lại với những giá trị mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng, đó là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vì vậy, phải coi chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Khi xác định cá nhân nào vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham nhũng, thì phải trừng phạt nghiêm khắc. Từ đó tạo sự cảnh tỉnh, răn đe đối với toàn xã hội như lời Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã nhấn mạnh: “Chúng ta xử lý một người nhưng tạo ra sự kinh sợ một ngành, chấn động một vùng”.

Xin dẫn chứng câu chuyện cụ thể từ thời kháng chiến để thấy rõ điều này. Theo đó, năm 1948, khi nước ta phong quân hàm lần đầu, cả nước có 36 tướng lĩnh và hơn 20 đại tá. Trong số này, năm 1950, đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu (có nhiệm vụ lo vấn đề ăn, mặc, thuốc men của quân đội) bị tử hình vì tội tham ô. Chính việc xử lý nghiêm khắc, kể cả với cán bộ cao cấp thoái hóa, biến chất nêu trên mà trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, từ khi xử lý đến năm 1975 đã không có tướng lĩnh, quan chức cao cấp nào khác bị xử lý vì tội tham ô.

Hiện nay, trong thời bình, chúng ta đã “mất” nhiều tướng lĩnh quân đội, công an cũng vì lòng tham. Kết luận của cơ quan chức năng cho thấy nhiều tướng công an, quân đội bị xử lý do vi phạm, trong đó có liên quan đến đất đai. Vì vậy, với chủ trương quyết liệt chống tham nhũng mà Đảng ta đang thực hiện thì yêu cầu xử lý nghiêm khắc, tạo sự khiếp sợ, không dám vi phạm là rất cần thiết. Điều này cũng nhằm chặn đứng lòng tham để hội chứng “vơ vét” trong Đảng không nảy nở.

Đặc biệt, bên cạnh hình phạt nghiêm khắc thì trong phòng chống tham nhũng phải có giải pháp thu hồi đến đồng tiền cuối cùng mà kẻ sai phạm chiếm đoạt, buộc họ phải trả lại đầy đủ cho Nhà nước và nhân dân. Có như thế, câu nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” sẽ trở thành quá khứ. Những người tham nhũng sẽ bị mất đi động cơ vi phạm.

Trong các vụ việc tham nhũng hiện nay, số tiền thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, biện pháp xử lý chỉ là tù giam. Việc khắc phục thiệt hại về kinh tế chỉ một phần rất nhỏ như vài chục tỷ đồng, vài trăm tỷ đồng, sẽ không triệt tiêu được động cơ tham nhũng. Tình trạng tham nhũng cũng vẫn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải tịch thu đến đồng tiền cuối cùng mà những người tham nhũng đã chiếm đoạt. Khi đó, những người tham nhũng vừa không được tiền, bị tù và mất tất cả. Có xử nghiêm như thế thì những kẻ manh nha đầu óc muốn tham nhũng nhìn vào đấy mà khiếp sợ, không dám vi phạm.

Cùng đó là yêu cầu cần phải xây dựng cơ chế, thể chế để cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng và không dám tham nhũng, đồng thời tạo được sự lan tỏa  ra toàn xã hội. Do đó cần phải rà soát lại thể chế, hiến pháp, pháp luật và hệ thống tổ chức xem có những kẽ hở nào cần phải bịt lại. Chúng ta phải cải cách tiền lương, gắn với mô tả công việc, đảm bảo cán bộ, đảng viên đủ sống bằng lương và lo cho gia đình, tích lũy và lo cho tương lai. Đồng thời, bên cạnh việc cải cách tiền lương cũng thực hiện việc giáo dục lòng tự trọng, giàu có về vật chất nhưng phải gắn với văn minh tinh thần.

TS NGUYỄN VIỆT HÙNG
Học viện Cán bộ TPHCM

Tin cùng chuyên mục