Thưa bác sĩ, tôi bị gãy xương khi đang chơi thể thao. Việc xử trí, điều trị như thế nào và thời gian sinh hoạt, vận động bình thường sau chấn thương gãy xương là bao lâu? (dinhhungduong@gmail.com)
ThS-BS HUỲNH PHƯƠNG NGUYỆT ANH, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Xử trí ban đầu thường phụ thuộc vào vị trí của xương gãy, trong đó nguyên tắc R-Rest (nghỉ ngơi) được công nhận là hình thức xử lý quan trọng nhất, giúp tránh làm di lệch thêm về xương cũng như tàn phá phần mềm kế cận. Chườm lạnh thường sẽ được áp dụng đối với các loại gãy kín, không có vết thương ngoài da tại vùng chi gãy. Thuốc chống viêm và giảm đau cũng sẽ được bác sĩ kê đơn để giúp bạn giảm các triệu chứng khó chịu. Hầu hết xương gãy sẽ cần bất động trong một thời gian đủ để chữa lành, bằng các hình thức bó bột hay nẹp cố định, đi nạng. Với những gãy xương phức tạp hơn, có thể phải phẫu thuật để giúp cố định xương trở lại vị trí ban đầu. Khi quá trình điều trị gần hoàn tất, một liệu trình vật lý trị liệu sẽ được đề ra cho mỗi cá nhân riêng biệt, giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và chuyển động của chi gãy, tránh teo cơ, tăng cường tuần hoàn tĩnh mạch cũng như bổ sung chất dinh dưỡng đến xương gãy.
Người đang điều trị chấn thương nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tuân thủ lượng canxi được khuyến khích giúp giảm nguy cơ bị gãy xương. Thường thời gian sinh hoạt, vận động bình thường sau gãy xương chi trên vào khoảng 6-8 tuần, đối với chi dưới là 8-12 tuần. Để có thể chơi thể thao lại, cần quá trình tập luyện hồi phục kiên trì, thời gian chung cho gãy xương vào khoảng 6 tháng, tuy nhiên trước đó cần sự đánh giá của bác sĩ chuyên về y học thể thao.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.