Xử lý nỗi “hổ thẹn quốc gia”

Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua một dự luật theo đó chi 1.830 tỷ rupee (20 tỷ USD) cung cấp ngũ cốc giá rẻ cho người nghèo - một phần quan trọng của chiến lược tái đắc cử vào tháng 5-2014 của đảng Quốc đại. Cuộc bỏ phiếu đã phá vỡ bế tắc kéo dài trong quốc hội, mở đường cho một số cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy giảm phát triển hơn. Dự luật còn chờ thượng viện thông qua có tính chất thủ tục trước khi có hiệu lực.

Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua một dự luật theo đó chi 1.830 tỷ rupee (20 tỷ USD) cung cấp ngũ cốc giá rẻ cho người nghèo - một phần quan trọng của chiến lược tái đắc cử vào tháng 5-2014 của đảng Quốc đại. Cuộc bỏ phiếu đã phá vỡ bế tắc kéo dài trong quốc hội, mở đường cho một số cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy giảm phát triển hơn. Dự luật còn chờ thượng viện thông qua có tính chất thủ tục trước khi có hiệu lực.

Theo kế hoạch, chính phủ sẽ bán giá rẻ lúa mì và gạo cho hơn 2/3 dân số nước này, tức trên 800 triệu người trong tổng số 1,2 tỷ dân. Dự luật sẽ cho phép mỗi người trong các gia đình đủ điều kiện nhận được 5kg lương thực/tháng, với giá gạo là 3 rupee (0,05 USD)/kg, lúa mì 2 rupee/kg và ngũ cốc thô 1 rupee/kg. Ước tính có khoảng 75% dân số nông thôn và 50% dân số thành thị sẽ đủ tiêu chuẩn thụ hưởng chương trình này.

Báo Guardian dẫn số liệu của Liên hiệp quốc cho biết, Ấn Độ hiện có số người nghèo đói chiếm 1/4 tổng số người thuộc diện này trên thế giới, bất chấp Ấn Độ là một trong những nước sản xuất lương thực lớn nhất thế giới và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh gọi vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở Ấn Độ là điều “hổ thẹn của quốc gia” khi có đến gần một nửa số trẻ em nước này nhẹ cân.

Dự luật trợ giá lương thực mới sẽ bổ sung khoảng 3 triệu tấn ngũ cốc vào kho của Chính phủ Ấn Độ. Đây cũng là một trong những ưu tiên của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại, người đã đưa đảng này giành chiến thắng trong 2 cuộc bầu cử vừa qua. Bà Sonia Gandhi còn thực hiện nhiều chương trình dân túy khác như chương trình tạo việc làm ở nông thôn và chương trình trị giá nhiều tỷ USD hỗ trợ nông dân vay vốn, được thông qua trước cuộc bầu cử năm 2009. Truyền hình Đức DW dẫn lời phát biểu của bà Sonia Gandhi trước Quốc hội: “Thông điệp lớn mà Ấn Độ đưa ra với thế giới là rõ ràng và cụ thể: Ấn Độ thực hiện có trách nhiệm việc cung cấp lương thực và đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả các công dân của mình”. Bà Sonia Gandhi cho biết thêm mục tiêu của Ấn Độ trong tương lai gần là quét sạch nạn đói và suy dinh dưỡng. Cũng chính vì cuộc họp bỏ phiếu thông qua dự luật này quá căng thẳng nên sau kỳ họp, bà Sonia Gandhi bị sốt phải nhập viện.

Đảng đối lập chính của Ấn Độ, Janata Bharatiya, lúc đầu đã chỉ trích các chương trình phúc lợi xã hội này và nghi ngờ tính khả thi, nhất là khi chương trình hiện tại đã có hơn 200 triệu người được thụ hưởng nhưng con số người bị đói và suy dinh dưỡng vẫn không giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng đã bỏ phiếu cho dự luật này. Các nhà phê bình cho rằng dự luật về lương thực này chỉ đơn thuần mở rộng hệ thống phân phối công cộng hiện đang bị cho là lãng phí và không hiệu quả. Hơn nữa, ở thời điểm hiện nay, tài chính công đang rất eo hẹp. Đồng rupee giảm so với nhiều ngoại tệ trong những tuần gần đây, trong khi Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu lượng lớn dầu và vàng. Một số người cho rằng thay vì mở rộng diện bao cấp lương thực, Chính phủ Ấn Độ nên cải cách rộng rãi ngành nông nghiệp. Điều đó sẽ giúp giảm giá lương thực và thúc đẩy tăng trưởng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục