Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp chuyển giao sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động tự quản lý. Có thể thấy là một quy định hợp lý, cần thiết, là bước tiến để người lao động tự quản lý và theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình, cũng như “phòng ngừa” tình trạng doanh nghiệp không trả sổ cho người lao động khi người lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Thế nhưng hiện nay, ngoài việc người lao động tự làm mất sổ nên phải làm thủ tục cấp, đổi lại sổ BHXH, đã có trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp cho cá nhân hoặc tổ chức làm dịch vụ “cầm đồ” để vay tiền, sử dụng vào mục đích tiêu dùng hoặc tiêu xài cá nhân. Sau đó, người lao động đã bỏ luôn sổ BHXH và lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm thủ tục cấp lại sổ BHXH, với lý do làm mất hoặc sổ BHXH bị hư hỏng. Nguy hiểm hơn, có trường hợp sau khi người lao động bỏ sổ BHXH, cá nhân, tổ chức dịch vụ nhận cầm cố sổ BHXH đã làm thủ tục “rút” trợ cấp BHXH một lần.
Đối với trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, theo luật định sẽ không được cấp lại sổ (Quyết định 1035 và Quyết định 595 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam). Theo Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như một số luật chuyên ngành liên quan đến tài sản được cầm cố, thế chấp, thì sổ BHXH không thuộc “đối tượng” cầm cố hay thế chấp. Còn tại Điều 27 Nghị định 95/2013, quy định mức phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, chiếu theo những quy định nêu trên thì hành vi cầm số sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Để ngăn chặn tình trạng người lao động mang sổ BHXH cầm cố, thế chấp cho các dịch vụ cầm đồ, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, trong đó cần nghiêm cấm hành vi cầm cố, hay thế chấp sổ BHXH của người lao động; nâng cao mức phạt vi phạt hành chính đối với hành vi này để đảm bảo tính răn đe của luật pháp. Ngoài ra, tại tờ bìa sổ BHXH, mục “Những điều cần chú ý”, cơ quan BHXH nên thêm dòng chữ “Nghiêm cấm cầm cố, thế chấp sổ BHXH” để người lao động lưu ý, tránh vi phạm pháp luật.