Xử phạt học sinh sao cho hiệu quả?

Tuần qua, việc một trường THPT trên địa bàn TPHCM áp dụng hình thức xử phạt học sinh vi phạm nội quy theo cách mới, thay vì yêu cầu các em viết kiểm điểm, trừ điểm thi đua, phạt lao động công ích thì học sinh được yêu cầu lên thư viện đọc sách, viết cảm nhận về nội dung quyển sách, đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Xử phạt học sinh sao cho hiệu quả?

Trong đó, nhiều ý kiến lo ngại hình thức xử phạt mới quá nhẹ nhàng, không có tính răn đe. Chưa kể, nhiều tình huống lỗi vi phạm của học sinh một đằng nhưng nội dung sách một nẻo, không có tác dụng giúp học sinh nhận ra lỗi sai. Ở chiều ngược lại, các ý kiến tán đồng cho rằng yêu cầu học sinh đọc sách có ý nghĩa giáo dục và nhân văn cao. Đọc sách giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức bổ ích, góp phần xây dựng văn hóa đọc thay cho việc các em đang dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử.

Chia sẻ thêm về tác dụng của hình thức xử phạt, đại diện các trường phổ thông đều cho biết, phần lớn các trường hợp học sinh vi phạm nội quy hiện nay đều là tái phạm, tập trung ở một số nhóm đối tượng học sinh. Vì vậy, việc xử phạt chỉ có tác dụng khi tác động đến suy nghĩ, tình cảm thật sự của học sinh chứ không phải thông qua vài dòng kiểm điểm hay một buổi lao động công ích. Ngoài ra, không nên đánh đồng tất cả lỗi vi phạm của học sinh, bởi có lỗi xuất phát từ sự vô ý, tác động của môi trường, hoàn cảnh xung quanh, song có lỗi cần được răn đe nghiêm khắc do gây ra hậu quả nghiêm trọng như bạo lực học đường, trộm cắp tài sản…

Như vậy, có thể nói, xử phạt dù theo hình thức nào thì vai trò của thầy, cô giáo trong việc tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh, giúp các em nhận ra lỗi sai mới là gốc rễ căn nguyên của việc xử phạt. Trường học cần dựa vào đặc điểm riêng về điều kiện cơ sở vật chất, đặc thù đối tượng học sinh để triển khai các hình thức xử phạt phù hợp, tránh chạy theo phong trào. Bên cạnh đó, việc xử phạt phải được tiến hành trên tinh thần tôn trọng học sinh, giúp các em nhận ra lỗi sai chứ không phải thể hiện quyền uy của thầy, cô giáo.

Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành giáo dục nhiều lần đề cập đến khái niệm “kỷ luật tích cực”, giáo dục bằng tình yêu thương và đồng cảm. Vì vậy, việc xử phạt học sinh vi phạm nội quy không thể chỉ phó thác hoàn toàn cho bộ phận giám thị hoặc giáo viên chủ nhiệm mà cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, các lực lượng giáo viên bộ môn, bảo mẫu trong nhà trường. Áp dụng nhiều hình thức xử phạt khác nhau đối với các mức độ vi phạm giúp học sinh cảm nhận được sự khích lệ và đồng hành, không cô đơn trên bước đường hoàn thiện tính cách và trưởng thành.

Tin cùng chuyên mục