Xu thế lựa chọn sản phẩm “xanh”

Xu thế lựa chọn sản phẩm “xanh”

Dịch vụ du lịch được xem như ngành công nghiệp không khói, ít gây tổn hại cho môi trường. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu những doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa quan tâm đầu tư các hoạt động bảo vệ môi trường, có nguy cơ bị đình trệ kinh doanh do người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm nếu không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

  • Tẩy chay sản phẩm doanh nghiệp đen
Xu thế lựa chọn sản phẩm “xanh” ảnh 1
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa trái) trao chứng nhận Doanh nghiệp xanh cho các doanh nghiệp. Ảnh: cao thăng

Bà Đào Hoàng Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ xanh TPHCM cho biết, hiện nay, du khách nước ngoài có tâm lý chọn những khách sạn xanh, dù giá dịch vụ cao hơn. Do đó, nếu các khách sạn tại Việt Nam không chủ động đón trước xu thế này, sẽ có nguy cơ bị giảm sút lượng khách trong thời gian tới. Bà Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần Kido cho biết thêm, để sản phẩm của doanh nghiệp có mặt trong các hệ thống siêu thị lớn và uy tín hiện nay công ty phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Ban giám đốc các siêu thị đòi hỏi nhà cung cấp phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và được cơ quan chức năng chứng nhận. Yêu cầu này càng trở nên chặt chẽ hơn kể từ năm 2008, sau khi hàng loạt doanh nghiệp bị lực lượng cảnh sát môi trường và thanh tra môi trường phát hiện vi phạm môi trường nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) khẳng định, ngay khi cơ quan chức năng phát hiện Công ty Vedan “đầu độc” sông Thị Vải, Ban giám đốc Hợp tác xã đã ngưng thu mua và tiêu thụ sản phẩm của công ty. Đồng thời buộc công ty phải có biện pháp thu hồi sản phẩm của mình cho đến khi khắc phục xong hiện trạng ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, đây không phải trường hợp đầu tiên, càng không phải trường hợp cuối cùng.

Không dừng lại đó, đại diện Công ty TNHH Wooden cho biết, việc yêu cầu chấp hành Luật Bảo vệ môi trường còn gắt gao hơn tại các thị trường khác nhau trên thế giới. Trường hợp sản phẩm của công ty là một ví dụ. Để có thể xuất khẩu một lô hàng, trước đó, công ty phải trải qua cuộc sát hạch về môi trường do một tổ chức quốc tế độc lập của đối tác thực hiện. Họ kiểm tra đo đạc 6 tháng liên tục, nếu không xảy ra bất kỳ một vi phạm nào về môi trường, công ty mới được xuất lô hàng đi.

  • Lợi ích môi trường hay lợi nhuận kinh tế?

Việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp, thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết và thực hiện. Hiện còn rất nhiều doanh nghiệp cố tình không xử lý chất thải, có thói quen nước đến chân mới nhảy. Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, số lượng doanh nghiệp bị kiểm tra và phát hiện có hành vi vi phạm môi trường tăng từng năm.

Cụ thể, năm 2004 có 51 doanh nghiệp vi phạm môi trường, đến năm 2006 là 208 doanh nghiệp, 2008 là 283 doanh nghiệp và 2009 là 357 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lấy lý do thiếu vốn và mặt bằng để lý giải sai phạm của mình. Đơn cử như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn có 15 khách sạn đang hoạt động. Thế nhưng chỉ 1/3 trong số khách sạn này có hệ thống xử lý chất thải. Nguyên nhân chính, Ban quản lý dự án Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đưa ra là do thiếu vốn đầu tư. Mặt khác, các khách sạn đang hoạt động đều rất… cổ nên chưa thể bố trí mặt bằng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đại diện khách sạn New World cho rằng, để thay bóng đèn sợi tóc sang bóng đèn sử dụng tiết kiệm điện phải tốn một khoản chi phí khá lớn.

Những doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường có thể sẽ bị cấm hoạt động, bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng/hành vi. Liệu đến lúc đó các doanh nghiệp có còn quyền được lựa chọn giữa lợi ích môi trường hay lợi nhuận kinh tế hay phải dung hòa cả hai lợi ích trên để phát triển bền vững hơn?

ÁI VÂN

Có chứng nhận Doanh nghiệp xanh được ưu tiên tiêu thụ sản phẩm

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã ký kết hợp tác với Ban chỉ đạo giải thưởng Doanh nghiệp xanh (do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TPHCM, giao Báo SGGP và Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện). Theo đó, những doanh nghiệp nào được Ban chỉ đạo chứng nhận Doanh nghiệp xanh sẽ được Ban giám đốc Saigon Co.op ưu tiên thu mua và phân phối sản phẩm trong hệ thống siêu thị Co.op. Số lượng hàng hóa của Doanh nghiệp xanh được thu mua và tiêu thụ nhiều hay ít căn cứ trên thứ hạng Doanh nghiệp xanh mà doanh nghiệp đó đạt được. Được biết, vào lúc 8 giờ ngày 18-5, tại khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Ban chỉ đạo giải thưởng Doanh nghiệp xanh và Ban giám đốc Saigon Co.op sẽ tổ chức hội thảo để giới thiệu về chính sách kinh tế sẽ áp dụng với doanh nghiệp thực hiện tốt và chưa tốt công tác bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục