Xu thế tất yếu

Hôm nay 12-4, 8 ứng viên ứng cử vào vị trí Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) bắt đầu trình bày trước Đại hội đồng LHQ về lý do họ muốn đảm nhận vị trí này cũng như trả lời các chất vấn từ đại diện 193 nước thành viên. Quá trình này dự kiến kéo dài 3 ngày, được truyền hình trực tiếp và phát trực tiếp trên mạng Internet.

Theo Hiến chương LHQ, việc lựa chọn TTK LHQ cần phải được thông qua bởi 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và được tiến hành bầu chọn kín. Nên việc dỡ bỏ một số các hoạt động kín liên quan đến tiến trình bầu chọn này của LHQ được coi là một cuộc cách mạng trong hoạt động của LHQ trong lịch sử 70 năm hoạt động và phát triển. Theo quy trình mới, các ứng cử viên tham gia sẽ phải cung cấp hồ sơ cá nhân và trình bày kế hoạch và tầm nhìn của mình đối với vị trí này. Đây cũng được coi là yếu tố tạo nên sự bình đẳng giữa các ứng cử viên thay vì chuyện chọn người nào đại diện cho quốc gia, cho các lợi ích chính trị như thông lệ.

Trong bức thư ngỏ, LHQ kêu gọi các ứng cử viên có thể là phụ nữ hoặc nam giới. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là các ứng cử viên phải chứng tỏ được khả năng lãnh đạo, năng lực quản lý, kinh nghiệm trong các mối quan hệ quốc tế, khả năng ngoại giao mạnh mẽ cùng các kỹ năng giao tiếp và khả năng nói được nhiều ngôn ngữ.

Đặc biệt, với sự phát động của nữ Đại sứ, Trưởng phái đoàn Colombia tại LHQ Maria Emma Mejia, 42 quốc gia đã ký vào bản kiến nghị ủng hộ một phụ nữ đảm nhiệm ghế TTK. Ngay cả TTK LHQ đương nhiệm Ban Ki-moon cũng đưa ra lời kêu gọi đã đến lúc thích hợp để phái nữ đứng ra gánh vác trọng trách lãnh đạo LHQ. Tính đến nay, trong số 40% phụ nữ làm việc trong tổ chức lớn nhất hành tinh, có khoảng 10% phụ nữ giữ các chức vụ cao cấp trong Ban thư ký LHQ nhưng chưa có phụ nữ nào đảm nhiệm vị trí TTK. Do đó, các nước mong muốn sửa đổi nghị quyết tháng 1-1946 của LHQ lâu nay chỉ đề cập đến việc đàn ông giữ vị trí TTK LHQ, xóa rào cản cho nữ giới nhiều năm qua.

Hiện danh sách đề cử có 4 ứng viên nữ tiềm năng cho vị trí TTK LHQ, trong đó có Giám đốc Tổ chức Khoa học, văn hóa và giáo dục LHQ (UNESCO) Irina Bokova (63 tuổi), cựu ngoại trưởng Bulgaria. Các ứng cử viên thu hút được nhiều sự chú ý nhất hiện là cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark (66 tuổi), Chủ tịch Chương trình phát triển LHQ (UNDP); bà Vesna Pusic (62 tuổi), cựu Ngoại trưởng Croatia; bà Natalia Gherman (47 tuổi), cựu ngoại trưởng Moldova, từng là đại sứ tại Áo, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Tuy nhiên, danh sách đề cử ứng viên không quy định thời hạn chót, nên có thể sẽ xuất hiện thêm các ứng viên nặng ký hơn.

Giới quan sát cho rằng, việc lần đầu tiên tổ chức một cuộc chạy đua công khai vào chiếc ghế TTK LHQ có thể coi là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh LHQ đang nỗ lực cải cách hoạt động của mình. Dù có những quan điểm trái chiều, nhưng trong tương lai, việc 5 thành viên thường trực HĐBA đồng ý với quy trình bầu chọn mới này dự báo một cuộc cải tổ mạnh mẽ tại LHQ.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục