Ở tuổi tôi ông giời cho sống thêm ngày nào là hay ngày ấy. Nghĩ cho cùng cái vui cái buồn một kiếp thế cũng là quá đủ. Nhiều chuyện tưởng động trời vậy mà đến tai lại thấy chưa lấy gì làm lạ. Cái có thể thấy hình như thấy cả rồi, cái không thể thì mong làm gì cho thêm buồn. Một ông nhà văn Pháp đã thốt lên, không có gì chóng cũ bằng chính cái mới. Người đã bảy mươi sống theo mình, thấy thế nào là phải thì cứ thế mà làm. Đến bây giờ tôi cũng còn chưa biết mình sinh quý mùi hay giáp thân, nếu mùi thì tết này là bảy mươi dương lịch, nếu thân là bảy mươi âm lịch. Đằng nào cũng đã là bảy mươi. Thời gian đi như bóng câu qua cửa, xuân thu đắp đổi ngoài sông nước trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại chóng vánh đời người...
Lúc làm Di chúc Bác Hồ có lấy một câu của thi hào Đỗ Phủ, nhân sinh thất thập cổ lai hy. Muôn vàn cái đáng trích dẫn sao Người lại tìm câu này, vậy ở đây ý tứ là sao? Ta thường dặn nhau phải học Bác, nhưng việc tìm cho đến ngọn nguồn câu này xem thử Bác có còn định dặn gì ta thì hình như chưa phải ai cũng đã có dịp làm. Ông Đỗ Phủ có ba bài Giang đầu, câu thơ Bác chọn nằm ở Giang đầu một. Ngày nào cũng thế, hồi triều là ôm áo tìm ra đầu sông gán rượu, uống cho tận say mới về, nợ rượu chuyện vặt đâu chả có, chỉ tuổi bảy mươi của con người ta là hiếm xưa nay, kìa chuồn chuồn đang đạp nước, bươm bướm đang luồn hoa, nghĩ thấu lẽ đời lại lấy làm vui, hà cớ gì phải chạy theo cái danh hão cho bẩn tấm thân. Cái ý tứ sâu xa là nằm ở hai câu kết. Nguyên văn thế này, Tế suy vật lý tu hành lạc, hà dụng phù danh bạn thử thân.
Dạo này tự dưng ít muốn ra ngoài, thích ngồi nhà để nhớ lại, để chiêm nghiệm như người ta vẫn thường nói. Loanh quanh tu sửa những gì đã viết, đọc thiên hạ chẳng được là bao, âu cũng là cách thu vén sớm, đợi một ngày chào anh em lên đường.
Thằng con tôi nó nói, nhà nước trao tặng ông đủ thứ giải thưởng chẳng còn thiếu gì, thế là có ý đề nghị ông lùi vào tuyến sau nghỉ ngơi, những gì chưa làm nổi để con cháu chúng nó lo, mình nên chắp tay sau đít đi đi lại lại, thấy trống trải thì vòng ra đường làm một cuốc xe ôm nhìn thiên hạ đổi mới ra làm sao. Dấu hiệu của một tài năng còn là ở chỗ biết đến lúc nào thì nên dừng bút. Phàm cái gì đã làm mãi mà vẫn không thành, biết không thành mà vẫn cứ làm mãi đấy là đã sa vào một thảm kịch không ra nổi. Nó là dấu hiệu đáng ái ngại lắm.
Tôi quát, thằng này nói năng tam toạng, còn mấy trang trong mớ bài Năm tháng đầy vơi nữa là tao ung dung rồi. Lúc ấy tha hồ chơi thơ chơi họa. Về già con người ta có quyền lẫn, quên những gì mình từng làm, chả nhớ mình là ai, cái thú nhất là được làm một anh thi sĩ nghiệp dư, một anh họa sĩ nghiệp dư, hay dở không bàn, xem sự nổi tiếng ở đời như bong bóng nổi trên mặt sân vôi ngày mưa. Và tôi cười lớn.
Tôi vốn cô quả, không quen chỗ đông người, ở chỗ đông bỗng lóng ngóng, lâu ngày hóa sợ đám đông. Tôi tự hiểu mình chỉ nên bắt chước con hoàng điểu một mình nhảy nhót trong gò vắng. Kinh thi có câu, miên man hoàng điểu chỉ khâu ngung. Hoàng điểu không đi đàn, lang thang một mình suốt ngày, ít ai đã gặp và nó hoàn toàn vui vẻ. Tôi xem viết văn chẳng qua cũng chỉ là để bày tỏ tâm tính của mình, bày tỏ với mọi người xung quanh, đã đành là thế, nhưng trước hết hãy bày tỏ với chính mình cái đã. Đó vừa là tâm sự lại vừa là tự sự. Có thể dối giả với tất cả chứ không thể dối giả được bản thân. Hoàng điểu không phải là một vẻ đẹp trong trời đất chăng?
***
ồi nhỏ, tôi là thằng bé thích ngồi trước hiên, hai tay bó gối, bên mảnh sân rêu, những lùm nhãn um tùm, hàng cau đung đưa. Nhà trong nhà ngoài đều tắt đèn, chỉ còn tiếng một con cuốc sót dưới ao là vẫn đang khắc khoải nhớ một mùa hạ đã qua, thế là có cuốc đông chứ không phải chỉ có cuốc hè, con cuốc này kêu lạ lắm, lúc lúc lại nấc lên thảng thốt. Đêm dày đặc, trên trái núi xa xa ngọn lửa vẫn đang lúc ẩn lúc hiện, tôi tự nhủ, ai người đốt lửa trên núi?
Bà nội bảo đấy là đám trẻ rủ nhau vơ cỏ khô chất thành đống, lúc sắp lùa trâu về thì gửi lại một mồi, gió đưa lửa chạy lép bép.
Nhưng chị Gái người ở của nhà lại kể khác, đấy là thằng Tây cao kều xua lính dõng ra đốt sạch cỏ quanh đồn để bộ đội không còn chỗ mà bò nấp. Thằng ấy ranh ma lắm, lúc ngủ trong bốt, lúc lủi xuống đồng. Làng trên ấy kể có hôm nó choàng áo tơi đội nón lá lụ khụ như ông lão tìm vào ấp làm gì ấy, nó còn biết hát cả tình bằng có cái trống cơm.
Bà nói nghe phải, chị Gái nói cũng phải, tôi là đứa sớm nghe ai nói thế nào cũng phải. Mẹ tôi mắng mày là ông cả ngẩn, quan tám cũng ừ quan tư cũng gật. Bà chép miệng, có vậy nó mới sống được, là ông Trời ông ấy định cả. Một hôm ngồi băm rau lợn, chị Gái nhẩn nha, tôi thấy cậu còn bé mà đã khôn nên tôi bảo nhỏ nhá, lúc nào nghe thấy có nhiều tiếng súng phía núi thì đừng sợ, cứ việc chui vào gầm giường hoặc thùng trấu mà ẩn. Tôi hỏi vặn, quân ta về bắt Tây cao kều à, sao chị biết? Thì tôi cứ nói thế, cậu nghe cũng biết thế. Rồi chị cười bí hiểm.
Tôi nghiệm ra nhiều chuyện chị Gái nói trước sau đều hiển hiện. Vậy là tôi phấp phỏng đợi. Đêm đêm tôi nhìn lên đằng ấy, thấy ánh lửa thật xa, ban ngày lại thấy núi quá gần. Từ làng tôi đến chân núi phải qua mấy cánh đồng ruộng bậc thang, chỗ cao chỗ thấp, gò đống ngổn ngang. Một vùng khoai lúa đầm ấm, tiếng người ơi ới gọi nhau, tiếng cười chao chát, tiếng chửi thề, những lời than thở.
Trưa đó, tôi đang ê a tập đọc thì súng nổ ran, tôi quăng vội quyển sách toan vọt ra ngoài ngõ thì có một bàn tay túm lấy cổ tôi giữ lại. Chị Gái ở đâu hiện ra nhanh thế không biết. Chị kéo tôi xuống bếp, dúi ngồi vào thùng trấu. Cứ ngồi im, lúc này không phải lúc chạy nhảy, nếu súng dữ hơn thì rúc hẳn đầu vào trấu. Bà về bảo chị đi rồi, bao giờ cả nước thắng lợi mới về, giờ chị phải chạy lên đó mang các anh bị thương ra vùng tự do.
Chị biến mau như một cánh én. Tôi ngồi đấy lúc lâu thì bừng tỉnh, thấy mình đúng là ngớ ngẩn thật, tội vạ gì ngồi mãi trong thùng trấu này và tôi cắm đầu chạy ra cổng làng.
Chị Gái xa nhà chưa đầy năm, một hôm có anh bộ đội từ mặt trận Điện Biên về thăm quê kể gặp chị ở Quân y viện dã chiến, chị là nữ cứu thương xuất sắc và được đổi tên là Gấm. Xưa là Gái mà nay thành Gấm. Có ai hỏi tên mình chị thẹn thùng, dạ thưa em là Gấm. Thực ra chị còn giấu đấy, chứ đồng chí chỉ huy khi lập lý lịch cho chị đã dặn từ nay đơn vị đặt tên cho em là Hồng Gấm, tấm gấm hồng, em có hiểu không.
Nhiều thương binh khi được đưa về trạm phẫu thuật tiền phương phải cưa chân cưa tay, thuốc thang chả có, họ hát Tiến quân ca để quên cái đau, lại có người không hát mà gọi tên người con gái mình mang lòng thương yêu, gọi cho đến lúc ngất đi thì thôi. Không phải chỉ một hai anh đã gọi tên chị. Các anh rên rỉ, Gấm ơi, em có đấy không, Hồng Gấm ơi anh khát... Vào những giây phút ngặt nghèo, tinh thần phiêu diêu sông mê bến lú, cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc, hình ảnh chị chính là ngọn lửa vẫy gọi, níu giữ các anh.
Với tôi thì sao, với tôi hình bóng một người chị tất tả chạy lên hướng có tiếng súng và những ánh lửa bập bùng tuổi thơ đã là quá đủ để mang theo suốt một đời. Ai đó nói hành trang càng nhẹ thì đường đi càng dài. Trong tư cách một người cầm bút tôi nói, quê nhà lam lũ bao giờ cũng là cội nguồn của mọi sáng tạo.
***
Một tiếng gà gọi sáng, một Tam Đảo xa mờ, những dải sông cái, sông con vòng vo ôm lấy những cánh đồng, làng mạc, mồ mả lăng tẩm tràn lan, đình chùa mái cong, tháp chuông nhà thờ mái nhọn... Và cả một đám đông khổng lồ mấy ngàn năm chìm nổi, lúc tươi sáng lúc tối tăm, lúc cầm tay đon đả đón bạn bè, lúc lại chen lấn đè xéo lên nhau, nhìn chung là rất hiếm sự thanh thản, nhìn chung là còn dị mọ nhiều lúng túng. Cao cả đấy mà tầm thường cũng đấy, dũng cảm đấy mà hèn kém cũng đấy.
Trái ớt trong vườn tuy nhỏ mà cay, lá rau diếp nắm rau sam rau dệu có khi cũng là thuốc quý, vóc dáng người mảnh mai thâm thấp, những nụ cười đôn hậu, những cách khu xử mặn mà tin cậy, ăn ở có lề có thói, biết thương yêu, biết xấu hổ lại biết tự trọng, không dễ gì sa vào những ham hố tham lam, quàng xiên mẹo mực. Đó là cốt cách người Việt, là đất ta người ta, là những gì cần phải có.
Trước mắt chúng ta là những tháng năm đi tìm lại những giá trị bền vững sang trọng mà tổ tiên đời này qua đời khác đã dày công xây đắp vun trồng.
Những tháng năm cần đến sự gan góc và minh mẫn chiến lược, không dễ vội bằng lòng và không được phép gục ngã. Đây là một thời kỳ lịch sử nước nhà đi tới một khúc ngoặt với những thách thức lớn không đơn giản. Chỉ những nhân cách mang tầm vóc gánh vác mới đủ bản lĩnh ghé vai đẩy dân tộc vượt lên trong kiêu hãnh mà thôi.
Gió cứ thổi mỗi năm hai mùa nóng lạnh, trong nhịp điệu muôn đời của mình, dòng sông thời gian lại đang sắp đổ xuân vào năm cũ, tự biết làm mới mình lên cùng xứ sở
Hà Nội, tháng 12 năm 2012
Tùy bút của Đỗ Chu