Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - cuộc đối thoại dung dị giữa phương Đông và phương Tây

Ngày 4-7, Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giới thiệu sách và tọa đàm khoa học với chủ đề Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - nhìn từ tiếp xúc Pháp - Việt đầu thế kỷ XX.
Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - cuộc đối thoại dung dị giữa phương Đông và phương Tây

Cuốn Xuân thu sử thi Bắc Kỳ của tác giả người Pháp đã đưa đến bức tranh lịch sử toàn cảnh về xứ Bắc Kỳ Việt Nam - nơi mà tác giả Pierre Foulon - giáo sư Trường Lycée du Protectarat (Trường Bảo hộ, tức Trường Chu Văn An hiện nay) và gia đình sinh sống qua ba thế hệ.

Đây là cuốn sách lạ lùng khi 4 chương của cuốn sách được gọi tên bằng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, lạ lùng khi lời dẫn đầu được viết bằng một phong cách rất thơ: “Lời ngỏ bên thềm”, và lạ lùng khi Foulon đã đem đến một cuộc đối thoại vô hình trong tưởng tượng của hai nhà hiền triết Đông - Tây là Khổng Tử và Socrate. Những vấn đề đầy lý luận như thơ ca, triết học, nghệ thuật dân gian, chính trị, thời cuộc, cho tới khía cạnh gắn liền với hiện thực như lối sống, nghi lễ, dịch bệnh, công việc đồng áng hay những chủ đề siêu thực về cái chết, bóng đêm đều được tác giả phân tích sâu sắc.

Cuốn sách là một sự tổng hòa về nghệ thuật khi thiết kế trình bày sách được thực hiện bởi họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong tứ trụ của nền hội họa Việt Nam. Tranh bìa được họa sĩ Nguyễn Tiến Lợi làm từ tranh khắc dân gian thường bày bán trong dịp giáp tết trên hè phố và chợ Bắc Kỳ với mô típ tranh Tam Đa quen thuộc, gợi lên một dấu ấn quen thuộc từ lịch sử cho bất kỳ ai sở hữu.

Theo TS Vũ Đức Liêm, điểm độc lạ tạo nên giá trị của cuốn sách ở chỗ tác phẩm ví như một bài thơ về sự giao cảm của con người với thời gian, với sinh thái, với triết học, với tôn giáo. Nó rất hay và tuyệt vời nhưng để đọc được thì không đơn giản. Khác với mô tuýp viết sử quen thuộc của ta, cuốn sách là một nhật ký thời gian, viết về những gì mà người xứ Bắc Kỳ làm trong một năm, có sự lý giải sâu sắc và chúng ta là nhà du hành tiến vào khu đất Bắc kỳ ngày xưa, giúp chúng ta đi sâu vào triết học, văn hóa, tôn giáo. Đây là cách viết sử mà chúng ta đang thiếu.

Giá trị của cuốn sách còn nằm ở sự giao lưu văn hóa Đông - Tây. Tác giả là sản phẩm của dòng chảy đế quốc cuối thế kỷ XIX, đầu XX khi thực dân phương Tây hoàn thành quá trình xác lập thuộc địa. Nhưng ông là một trong những “người phương Tây bị phương Đông mê hoặc” với mong muốn tìm hiểu văn hóa phương Đông.

Góc nhìn khác biệt của tác giả so với học giả Pháp viết về Việt Nam trước đó nằm ở sự đối thoại. Cuốn sách là tổng hòa của cuộc đối thoại giữa khoa học, triết học với nghệ thuật văn chương; cuộc đối thoại giữa phương Đông và phương Tây với lối viết rất giản dị, tinh tế.

Nhận định về cuốn sách, GS-TS Đỗ Quang Hưng cho rằng, tác phẩm phản ánh đời sống tinh thần, vật chất, không sa lầy sự kiện chính trị, hiểu được lịch sử Bắc Kỳ qua tâm thức nhân vật, chất liệu viết sử đặc biệt. Hơn nữa, Foulon viết sử Bắc Kỳ dưới góc nhìn triết học, văn hóa, tôn lên chiều sâu cái đáng quý của người Việt Nam trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi, thể hiện đậm nét giá trị triết lý tinh thần.

Tin cùng chuyên mục