Thư nước ngoài

“Xuân vận” ở Trung Quốc

Dạo gần đây, thấy báo chí Việt Nam đưa nhiều thông tin về tình trạng quá tải vé tàu tết khiến các phe vé tha hồ trục lợi. Thậm chí, có trường hợp làm vé tàu giả để bán. Thế mới hiểu, cứ mỗi kỳ lễ tết người dân lại một lần vất vả tìm tấm vé về quê hay đi du lịch.

Ở Trung Quốc cũng có tình trạng quá tải vì dân số đông, lượng người nhập cư đổ về các thành phố làm việc ngày càng nhiều nên việc mua vé tàu còn căng thẳng hơn Việt Nam. Đối với những người nhập cư có thu nhập thấp, tàu lửa vẫn là phương tiện được ưu tiên nhất vì giá thành tương đối rẻ, độ an toàn cao. Nghe Đài Truyền hình Trung ương CCTV thông báo, dịp “xuân vận” năm nay, đường sắt Trung Quốc sẽ vận chuyển 235 triệu người trong suốt đợt cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, tăng 6% so với năm ngoái. Tính trung bình mỗi ngày có 5,88 triệu người dân di chuyển bằng tàu lửa.

Nếu có dịp đi ngang qua nhà ga xe lửa tại Bắc Kinh, nhiều người sẽ thấy dòng người xếp hàng dài chờ mua vé. Có nhiều người phải mất tới 10 ngày hoặc thậm chí lâu hơn để có được tấm vé về quê đón tết cùng gia đình. Không phải chỉ riêng Bắc Kinh, tình trạng này còn diễn ra tại Quảng Châu, Hàng Châu, Tô Châu, Thâm Quyến, Thành Đô…

Trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng hành khách đến mua vé trực tiếp ở các nhà ga, ngành đường sắt cao tốc đã đưa hệ thống bán vé trực tuyến đăng ký tên thật vào hoạt động với hy vọng sẽ giảm hiện tượng phe vé. Các nhà điều hành đường sắt Trung Quốc đã khuyến khích các nhà ga triển khai việc đưa thông tin lịch trình các chuyến tàu lên trang micro blog Sina weibo và People để người dân có thể tra cứu thông tin. Theo thống kê, trên cả nước đã có 35 nhà ga thực hiện kế hoạch trên.

Kế hoạch đăng tải thông tin chuyến tàu trên micro blog chỉ mới được triển khai trong năm nay nhưng đã nhận được nhiều hưởng ứng. Có đến gần 1 triệu người dân Trung Quốc đã đăng nhập và tham gia theo dõi nội dung trên những trang micro blog mỗi ngày. Ở đây, hành khách không chỉ tra cứu được thông tin về lịch trình, tình trạng vé tàu, đặt vé tại các địa phương mà còn có thể tham khảo tình hình thời tiết điểm đến. Nếu hành khách hay người thân vô tình bị thất lạc hành lý cũng có thể xem thông báo đã tìm thấy hành lý ngay tại đây. Không cần đến máy tính, chỉ cần một chiếc điện thoại, hành khách có thể truy cập dễ dàng và gửi những thông tin cần hỏi lên micro blog, sẽ có người phụ trách giải đáp thường xuyên các thắc mắc.

Sinh viên Trung Quốc rất thích những trang micro blog này vì họ là một trong những người được sử dụng công nghệ thông tin nhiều nhất trên cả nước. Có nhiều người còn chia sẻ kinh nghiệm khi đi tàu, các biện pháp chống trộm cắp, thông tin về địa điểm du lịch trong dịp năm mới.

Đương nhiên, không phải người Trung Quốc nào cũng biết cách truy cập mạng để đặt vé hay vào blog để theo dõi thông tin, nhất là đối với những lao động phổ thông. Vì thế, tình trạng quá tải tại các trạm xe lửa Trung Quốc vẫn diễn ra tuy đã có những nỗ lực giảm tải. Dẫu sao, đây vẫn là một kế hoạch cải tiến khả thi của ngành đường sắt Trung Quốc vì không thể phủ nhận được việc các trang micro blog đã trở thành một cầu nối hữu ích giữa ngành đường sắt và người dân. 

LÊ HÀ
(từ Bắc Kinh)

Tin cùng chuyên mục