Xuất bản năm 2024: Hóa giải cái khó

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang” dường như như là cụm từ rất đúng cho ngành xuất bản thời kỳ “hậu” Covid-19. Nếu vào năm 2022, đã có rất nhiều tin vui đến với ngành, thì sang năm 2023, nhất là giai đoạn cuối năm, xuất bản tiếp tục rơi vào khó khăn. Thực tế này đặt ra cho các đơn vị nhiều bài toán cần giải để có thể vượt khó.

Năm 2023, rất nhiều hội sách được mở ra với mục tiêu chính là xả kho sách tồn
Năm 2023, rất nhiều hội sách được mở ra với mục tiêu chính là xả kho sách tồn

Hệ lụy từ “mua sắm trả thù”

Năm 2023, doanh thu của ngành xuất bản đạt 3.700 tỷ đồng, trong khi đó, con số năm 2022 là 3.994 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng sách xuất bản năm 2023 giảm sâu. Cụ thể, năm 2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 33.000 bản; trong đó có 29.000 đầu sách, với 450 triệu bản in và 50 triệu bản sách điện tử. Con số này cho thấy ngành xuất bản giảm đến khoảng 11% về số đầu sách và khoảng 16% số bản sách so với năm 2022. Số liệu tại Đường sách TPHCM cũng ghi nhận, tổng doanh thu năm 2023 của các đơn vị tại đây mặc dù có tăng (đạt 59,32 tỷ đồng, tăng 15%) so với năm 2022, nhưng nếu xét cụ thể theo từng giai đoạn, thì doanh thu giảm dần về cuối năm.

a6a-8222-7652.jpg
Năm 2023, rất nhiều hội sách được mở ra với mục tiêu chính là xả kho sách tồn

Cụ thể, từ 31,7 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2023) giảm xuống 27,6 tỷ đồng (6 tháng cuối năm 2023). Trong khi đó vào năm 2022, doanh thu lại tăng tăng mạnh vào quý 3 và 4. Ông Nguyễn Tuấn Bình, chủ hiệu sách Bình Bán Book - nơi phân phối của 250 đơn vị xuất bản trong cả nước, cho rằng, năm 2023 là năm có tính lịch sử. Ông Bình lý giải: “5 năm nay, tôi chưa gặp hiện trạng này. Bởi vì sức bán trong 5 năm qua chỉ có đi lên nhưng năm 2023 vừa qua, không phải đi ngang mà đi xuống ở mức độ khủng khiếp, thậm chí chỉ bằng 50% doanh thu của năm 2022”.

Ông Vũ Trọng Đại, Chủ tịch Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES) cho rằng, khó khăn mà các đơn vị xuất bản gặp phải trong năm 2023 chính là hệ lụy từ hiện tượng “mua sắm trả thù”, được hình thành từ đại dịch Covid-19. Theo ông Đại, năm 2022, người tiêu dùng say sưa mua sắm nhằm “trả thù” cho những ngày tháng họ bị chôn chân giữa bốn bức tường. “Thế nhưng sau đó, sức mua xói mòn nhanh chóng, trong khi các ngành kinh tế đang gặp khó khăn, khiến họ không thể tiếp tục có nguồn thu nhập ổn định như thời kỳ trước Covid-19”, ông Vũ Trọng Đại nói.

Cũng theo ông Vũ Trọng Đại, hàng hóa tồn kho trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 (2020-2021) chưa thanh lý hết thì nay phải gánh thêm một sản lượng rất lớn hàng hóa mới sản xuất do sai lầm gây nên bởi sức mua đặc thù trong năm 2022. Từ đó, ông Đại nhận định: “Những đơn vị xuất bản càng lớn về logic sẽ chịu hậu quả càng nặng nề của tác động kép này. Diễn biến trên đang diễn ra trong năm 2023 và có lẽ còn tiếp tục trong năm 2024, cho đến khi bức tranh kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại”.

Trong cái khó ló cái khôn

Ông Vũ Trọng Đại cho rằng, với hiện tượng “mua sắm trả thù”, độc giả đã mua cả những loại sách mà bình thường họ không đọc bao giờ. Chính điều này có thể khiến nhiều đơn vị xuất bản đầu tư khai thác bản quyền với số lượng lớn từ cuối năm 2022 vì phán đoán nhầm thị hiếu. Vậy nên, từ góc độ bản quyền, thay vì mua ào ạt như trước, các đơn vị cần tính toán kỹ lưỡng.

“Thời điểm hoạt động kinh tế bình thường, việc mua bản quyền ào ạt như vậy, nếu thất bại vẫn có cuốn khác đề bù vào. Nhưng đến thời điểm này, khi kinh tế suy thoái, một quyết định sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả không tốt, không có cuốn nào để bù lại cho sai lầm trong việc mua bản quyền”, ông Đại lưu ý. Vừa trở về từ Hội sách Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega Plus, cho biết, hội sách có hẳn một khu vực riêng về Digital Publishing (xuất bản kỹ thuật số ), cho thấy việc áp dụng công nghệ vào xuất bản đang được chú trọng. Cùng với đó, mảng sách về tri thức, học thuật, lịch sử, văn hóa bản địa được ưu tiên đẩy mạnh.

Đây có thể xem là một tham chiếu, bài học cho các đơn vị xuất bản trong nước để tìm cách tháo gỡ khó khăn trước mắt. “Đương nhiên, mỗi dòng sách sẽ trồi sụt theo sự quan tâm của thị trường. Tôi nghĩ năm nay sẽ có nhân tố mới trong nền tảng bán hàng của xuất bản Việt Nam, đó là TikTok, hứa hẹn sẽ mở ra một “đại dương xanh” cho một số đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, sự hồi phục của những chuỗi phát hành như Fahasa chính là đầu ra, thúc đẩy cho xuất bản”, bà Hoài Phương nói thêm.

Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega Plus, chia sẻ: “Đã có nhiều dự đoán về việc kinh tế tiếp tục suy giảm và xuất bản đi xuống trong năm 2024 nhưng tôi cho rằng, vẫn có sự hứa hẹn để chúng ta tư duy và có thể tìm ra được những hướng đi. Tôi không nghĩ là tình hình hiện tại mang đến sự bế tắc, bởi vì chúng ta xuất bản tri thức, không phải là đơn vị kinh doanh hàng hóa thông thường. Mà tri thức thì luôn gắn liền nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kỹ năng và kiến thức của cộng đồng; thậm chí, có khi đi cùng với nhịp sóng của kinh tế, nhưng cũng có lúc vận hành theo quy luật riêng”

Tin cùng chuyên mục