Ngành xuất bản, in và phát hành TPHCM: Tăng tốc chuyển đổi số

TPHCM dành sự quan tâm, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, lĩnh vực xuất bản, in và phát hành đã tiếp cận rất nhanh và đang trên đà tăng tốc.
Ngành in đang đứng trước áp lực bắt buộc chuyển đổi số để tồn tại. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngành in đang đứng trước áp lực bắt buộc chuyển đổi số để tồn tại. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tối ưu chi phí in

Một trong những hoạt động đáng chú ý trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia thuộc lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tại TPHCM là hội thảo với chủ đề “Làm thế nào để xây dựng nhà in thông minh?”. Hội thảo như sự tiếp lửa, thúc đẩy các doanh nghiệp in phát triển mô hình nhà in thông minh, nhằm giải quyết bài toán về nguyên vật liệu ngày càng tăng, cũng như yêu cầu đối với các đơn hàng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chí xanh về bảo vệ môi trường, được điều hành bằng hệ thống linh hoạt và kết nối với nhau.

Trong năm 2022 đầy khó khăn, nhưng doanh thu toàn ngành in vẫn đạt con số ấn tượng với hơn 93.000 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021). Tuy nhiên, theo PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In TPHCM, ngành in cả nước nói chung và TPHCM nói riêng còn có thể phát triển hơn nữa nếu được tạo điều kiện để phát huy hết năng lực của mình. Một trong những yêu cầu lúc này chính là chuyển đổi số, tiến tới xây dựng nhà in thông minh.

“Nhà máy in thông minh, hiểu một cách nôm na, đó sẽ là nhà in tận dụng được tất cả công nghệ in hiện đại nhất. Thực tế, trên thế giới đã xây dựng mô hình nhà in thông minh từ năm 1983, và đã phát triển ổn định. Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã làm được việc này, các doanh nghiệp trong nước đang phải đứng trước thách thức rất lớn”, PGS-TS Ngô Anh Tuấn cảnh báo.

Ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm tư vấn ITG Dx - đơn vị hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, cho rằng, ngành in có đặc thù là chi phí sản xuất vô cùng khó khăn, chưa kể tính cạnh tranh trong ngành khá cao. “Khi khảo sát các công ty đầu ngành trong lĩnh vực in và bao bì, chúng tôi nhận ra, đối với ngành này, khi chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu được chi phí, đặc biệt là chi phí ở công đoạn in. Vì công đoạn in là công đoạn khởi nguồn, tiêu tốn nhiều nhất đối với doanh nghiệp in và bao bì”, ông Luân cho biết.

"Chúng ta sẽ phải đối mặt với bài toán cạnh tranh khắc nghiệt với các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ mang công nghệ sang và in tại Việt Nam. Các doanh nghiệp in của Việt Nam cần bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số, tiến tới xây dựng nhà máy in thông minh để khai thác tốt nguồn lực hiện có và vận hành hiệu quả hơn" - Ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ITG Dx

Cũng theo ông Nguyễn Thành Luân, ngành in hiện đang có nhiều cơ hội, đặc biệt là lĩnh vực in bao bì. Đây cũng là lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất cho ngành in. Tuy nhiên, “miếng bánh” của thị trường lớn, nhưng doanh nghiệp in hiện còn nhỏ lẻ, công nghệ ứng dụng còn ít dẫn đến chi phí cao. Việc mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp in và bao bì sẽ là một thách thức không đơn giản để đáp ứng được nhu cầu to lớn từ thị trường sắp tới.

Hình thành thư viện số theo hướng mở

Song song với in và phát hành, lĩnh vực xuất bản, đặc biệt là xuất bản điện tử cũng đang bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Quỹ Hoa Sen (được thành lập ngày 28-12-2016 theo quyết định của UBND TPHCM) vừa giới thiệu đến công chúng Thư viện số Nguyễn An Ninh - chuyên đề Nam bộ (phiên bản thử nghiệm) tại: https://thuviennguyenaninh.vn. Đây là không gian tri thức mở, thực hiện chức năng lưu trữ các nguồn tài liệu là sách vở dưới dạng sách giấy, sách nói, sách và tài liệu được số hóa, phim tài liệu… phục vụ bạn đọc, các nhà nghiên cứu, tham khảo, học hỏi, tìm hiểu về lịch sử và con người Nam bộ.

In sách tại một công ty in ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
In sách tại một công ty in ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

TS Quách Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Sen, cho biết, xuất phát từ tham vọng ban đầu của quỹ là xây dựng thư viện vật lý chuyên đề Nam bộ mang tên Nguyễn An Ninh, cùng với sách giấy, thư viện sẽ mở rộng dạng thức sách và tài liệu được số hóa để phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai dự án, với mong muốn có thể triển khai nhanh, thuận tiện để tiếp cận rộng rãi bạn đọc, Thư viện số Nguyễn An Ninh đã được triển khai trước. Dự án được định hình là một thư viện mở, thuận tiện, phù hợp thói quen đọc, tra cứu, tìm kiếm tư liệu của người dùng trong thời đại công nghệ số.

“Thời đại công nghệ số đã làm thay đổi thói quen đọc truyền thống, sách điện tử, sách nói, sách hình, sách tương tác... với các tính năng ứng dụng, tích hợp, trải nghiệm đang là xu hướng yêu thích, hấp dẫn người đọc, nhất là người đọc trẻ. Thư viện số được xem là một thư viện mở, người dùng có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi. Khối lượng sách, tài liệu, nguồn tri thức khổng lồ không phải chiếm một không gian vật lý quá rộng, tất cả chỉ gói gọn trong phần mềm ứng dụng của một trang web đi kèm với các công cụ thiết bị điện tử như máy tính, màn hình ti vi, máy tính bảng, điện thoại thông minh”, TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Bên cạnh Thư viện số Nguyễn An Ninh, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cũng vừa ra mắt Thư viện số Doanh nhân Việt Nam tại địa chỉ https://thuviendoanhnhan.vn/. Theo chia sẻ của ông Trần Hoàng, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, những người thực hiện thư viện mong muốn những tư liệu, sử liệu, những gương doanh nhân tiêu biểu của TPHCM và cả nước được lưu trữ một cách cẩn trọng, có hệ thống. “Từ mong muốn đó, chúng tôi ra mắt phiên bản (demo) vào năm 2022 và năm nay chúng tôi đã hoàn thiện. Hy vọng, thư viện này sẽ là nơi để bạn đọc tham khảo tư liệu chính thống về doanh nhân TPHCM và cả nước nói chung”, ông Trần Hoàng chia sẻ.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM: Thị trường xuất bản hoạt động sôi nổi

Với định hướng chuyển đổi số như hiện tại, tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngành xuất bản của TPHCM nhìn chung đang tăng trưởng và đóng góp không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, phát triển văn hóa đọc mà cả trong tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Ngành xuất bản của thành phố tăng trưởng có nghĩa là thị trường xuất bản hoạt động sôi nổi và văn hóa đọc của chúng ta có điều kiện để phát triển.

PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In TPHCM: Không có nhà máy in thông minh sẽ không nhận được đơn hàng

Ngành in trên thế giới đã áp dụng IoT (internet vạn vật), và khi đó, chính khách hàng ở nước ngoài sẽ yêu cầu chúng ta phải tận dụng thế mạnh của công nghệ này. Nếu chúng ta chưa xây dựng được nhà máy in thông minh hay ít nhất cơ sở hạ tầng của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu này thì đương nhiên chúng ta không nhận được đơn hàng.

TS Quách Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Sen: Thư viện số là mô hình tất yếu

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, đời sống của nhân loại. Xuất bản không nằm ngoài sự chuyển động này. Tài sản trí tuệ, nền kinh tế tri thức được chia sẻ, kết nối cực nhanh bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong thời đại số. Thư viện số sẽ là mô hình tất yếu trong tương lai giúp con người trên hành tinh này kết nối, chia sẻ, trao đổi tài sản tri thức của cá nhân, của các quốc gia.

Tin cùng chuyên mục