Giá cá tra tại ĐBSCL đang tăng ở mức cao chưa từng thấy. Cứ ngỡ giá càng tăng sẽ kéo theo không khí thu mua và sản xuất sôi động, tuy nhiên thực tế trái ngược. Hàng loạt nhà máy chế biến đóng cửa, ngưng hoạt động trong khi người nuôi cũng lắc đầu ngao ngán…
- Thiếu nguyên liệu sản xuất
| ||
Mặc dù đang vào giai đoạn chạy nước rút để cung ứng sản phẩm cho thị trường mùa Noel và Tết Dương lịch nhưng hàng loạt nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL tỏ ra uể oải.
Theo ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Nam Việt, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng dẫn đến mọi hoạt động bị tê liệt.
Những ngày qua, các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu lao vào cuộc đua tranh giành nguyên liệu bằng cách liên tục nâng giá cá lên cao. Mức giá hiện nay đang dao động từ 18.000- 19.000 đồng/kg, có nơi đến 19.500 đồng/kg, cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Dù giá cá tăng kịch trần nhưng sản lượng khan hiếm nên các nhà máy thu mua được rất ít. Ông Nhứt cho biết: “Bình quân mỗi ngày công ty cần khoảng 300 tấn cá để chế biến xuất khẩu nhưng tìm đỏ mắt chỉ mua được 200 tấn trở lại, vì thế chỉ hoạt động khoảng 40% công suất”.
Đồng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng nói: “Dù doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền trước nhưng vẫn khó thu mua cá, bởi người dân thấy giá tăng từng ngày nên không vội bán mà chờ giá tăng thêm nữa. Ngoài ra cũng có trường hợp doanh nghiệp này vừa đặt cọc thì bị doanh nghiệp khác nâng giá cao hơn để phỗng tay trên”.
Theo TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp, lượng cá trong dân hiện nay không còn nhiều nên số hộ trúng giá đợt này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu như trước đây mỗi khi giá cá tăng người dân ùn ùn thả nuôi, nay giá cá ở mức rất cao nhưng nhiều hộ vẫn thờ ơ không mặn mà việc nuôi cá. Thậm chí có người vừa bán xong đã quyết định bỏ nghề, không nuôi lại.
Ông Quốc cho rằng, 3 năm qua người nuôi đã lỗ quá nhiều, nay giá cá dù tăng nhưng không bền vững. Ngoài ra, giá thức ăn liên tục nhảy vọt, đẩy chi phí giá thành lên rất cao. Chu kỳ nuôi mới mất từ 6 - 7 tháng, đến khi thu hoạch giá cá sụt thì người nuôi lãnh đủ, vì vậy họ không dám đầu tư. Với tình hình trên, dự báo từ nay đến cuối năm 2010 và sang năm 2011 nguồn cá nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu.
Điều đáng lo ngại là giá nguyên liệu nhảy vọt khiến những hợp đồng ký trước với giá thấp sẽ dẫn đến thua lỗ. Ngoài ra không ít doanh nghiệp mất ngủ vì các hợp đồng đã tới hẹn nhưng không thể giao hàng do thiếu cá, nếu càng giao trễ sẽ bị đối tác phạt vi phạm hợp đồng.
- Ổn định cách nào?
Nhu cầu xuất khẩu cuối năm đang tăng nhưng các doanh nghiệp chế biến cá tra đành ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội, không dám ký hợp đồng mới.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2010 đạt trên 1 tỷ USD, dự kiến cả năm ước đạt 1,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Sở dĩ kim ngạch năm nay cao là do sản lượng tăng, trong khi giá xuất khẩu giảm nên lợi nhuận giảm mạnh. Nếu như năm 2000 giá xuất khẩu cá tra ra thế giới bình quân 3,7 USD/kg thì năm 2010 giảm còn 2,14 USD/kg.
Nhiều người bất bình vì xuất khẩu cá tra của Việt Nam ra thế giới gần như “một mình một chợ” nhưng giá xuất liên tục sụt giảm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt, cạnh tranh nội bộ dẫn đến phá giá hoặc bán hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng uy tín, bị nhà nhập khẩu lợi dụng ép giá...
Giải quyết những tồn tại trên, Bộ NN- PTNT yêu cầu lập lại trật tự nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Theo đó, cần đặt ra những hàng rào kỹ thuật để quản lý vùng nuôi và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
VASEP cũng tính toán áp dụng giá sàn đối với xuất khẩu cá tra. Dự định đầu năm 2011, giá sàn xuất khẩu vào thị trường EU, Nga, Trung Đông là 2,8 USD/kg, giá thu mua nguyên liệu 20.000 đồng/kg (đảm bảo người nuôi có lãi). Bình quân 3 tháng sẽ tổ chức họp với 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu để kiểm tra tình hình xuất khẩu, nếu phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm, bán phá giá… sẽ ngưng cấp chứng thư xuất khẩu.
Bộ NN- PTNT cho biết sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra những doanh nghiệp nào không đủ điều kiện, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn… sẽ xử lý triệt để, không thể chấp nhận tình trạng làm ăn chụp giật kéo dài
HUỲNH PHƯỚC LỢI