(SGGP).- Ngày 26-2, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết quý 1-2015, thậm chí một số DN lớn đã có đơn hàng đến hết quý 2. Xuất khẩu của ngành dệt và may mặc trong tháng 1 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tại, sản lượng sản xuất các sản phẩm dệt may đều tăng so với cùng kỳ, trong đó sản lượng vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 25,2 triệu m², tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 61 triệu m², tăng 14,8%; quần áo mặc thường ước đạt 264,7 triệu cái, tăng 3,6%.
Tuy nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu ngành dệt may, DN FDI chiếm tỷ trọng 60%, DN Việt Nam chỉ chiếm 40%. Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2015, các DN FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, sản xuất nguyên phụ liệu tại chỗ và xuất khẩu trực tiếp là những DN được hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM May Sài Gòn, đưa ra phép tính, với tỷ lệ trên, chỉ tính trong 21 tỷ USD xuất khẩu hàng may mặc năm 2014, DN FDI đã chiếm hơn 14 tỷ USD, còn lại DN Việt Nam xuất khẩu hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, trong hơn 6 tỷ USD của DN Việt Nam đạt được, với 80% là hàng gia công, chỉ có 20% là giá FOB (mua đứt, bán đoạn) thì DN Việt Nam chỉ đạt được 1,2 tỷ USD.
Riêng đối với da giày, một ngành xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại tháng 1 đạt 1,05 tỷ USD, tăng mạnh 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng giày dép da đến thời điểm này ước đạt 24 triệu đôi, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng trưởng mạnh chủ yếu do sự đóng góp của các DN FDI, còn khối DN trong nước chủ yếu là gia công.
QUỐC HÙNG