Xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Halal: Nhiều tiềm năng cho hàng Việt

Tại hội thảo “Những quy chuẩn cần thiết để được chứng nhận tiêu chuẩn Halal giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 16-9 vừa qua. 

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, nhận định, thực phẩm và các sản phẩm đạt chứng nhận Halal có ý nghĩa rất đặc biệt cho việc kinh doanh tại các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có công dân theo đạo Hồi (hay còn gọi là thị trường Halal).

Logo chứng nhận đạt chuẩn Halal trên sản phẩm như là một bằng chứng về niềm tin mà theo đạo Hồi có nghĩa là được phép sử dụng. Chứng nhận Halal có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vì nó không chỉ đạt những yêu cầu về mặt tôn giáo mà còn tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Người theo đạo Hồi chỉ sử dụng những sản phẩm đạt chứng nhận Halal. 

Gần 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm tỷ lệ khoảng 23% dân số thế giới, chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Arab, UAE và các nước Trung Đông, nhưng chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal, có thể thấy dư địa của ngành công nghiệp Halal còn rất lớn.

DN Việt Nam cần chú trọng khai thác khoảng trống thị trường này, vì đây là chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có công dân theo đạo Hồi, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn cho các DN Việt Nam.

Ông Ramlan Osman, Giám đốc kinh doanh Việt Nam Halal Center, cũng cho rằng, Halal không chỉ là có thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn mà còn có các nguyên vật liệu để chế biến; mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sức khỏe; dịch vụ hậu cần; dịch vụ nhà hàng, khách sạn… theo tiêu chuẩn phục vụ người Hồi giáo.

Theo ông Ramlan Osman, nhiều nước đang chuyển biến nhanh để nắm bắt cơ hội từ thị trường Halal, tại Việt Nam nên phát triển ngành kinh tế Halal. Hiện tại, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng trung bình 6%-7% mỗi năm.

Điều này cho thấy Việt Nam có nền kinh tế nội địa mạnh mẽ cho sự phát triển trong tương lai. Việt Nam sở hữu dồi dào nguyên vật liệu thô rất tiềm năng cho Halal bao gồm cà phê, gạo, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả…

Việt Nam cũng được công nhận là một trong những điểm thu hút khách du lịch quốc tế hàng đầu hiện nay, cho thấy tiềm năng tương lai cho kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ theo tiêu chí Halal phát triển đáng kể. 

Năm 2016, cung ứng của Việt Nam về sản phẩm tiềm năng cho Halal là 10,5 tỷ USD, còn thấp so với nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cần cho các sản phẩm mà Việt Nam có thể xuất khẩu là 34,1 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã bỏ lỡ 23,6 tỷ USD xuất khẩu cho thị trường Halal. 

Đến nay, có 20 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang thị trường Halal, gồm cà phê xanh, gạo, hạt điều, tiêu, trái cây tươi, sản phẩm từ cà phê, thực phẩm chế biến, cà phê rang, sắn khô, các loại hạt, trái cây chế biến, bánh ngọt, trà, các loại bánh kẹo, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn, bột mì và nước trái cây.

Tin cùng chuyên mục