Nhiều năm qua, việc xuất khẩu nông sản phần lớn đều khá thuận lợi, nhất là những tháng đầu năm. Nhưng đầu năm nay, tình hình ngược lại, hầu hết các mặt hàng nông sản đều gặp khó khăn…
Lượng, giá đều giảm
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tháng 1-2012, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 1,8 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 19%; thủy sản đạt 370 triệu USD, giảm 13,3%; lâm sản đạt 300 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ. Tất nhiên do số ngày nghỉ gồm cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài hơn các năm trước khiến việc sản xuất kinh doanh bị hạn chế, dẫn đến giá trị xuất khẩu giảm theo. Tuy vậy, việc hàng loạt mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm về kim ngạch xuất khẩu tới hơn 16%, thậm chí 20% là điều đáng lo ngại. Nhiều mặt hàng nông sản giảm do giá giảm mạnh như hạt điều giảm khoảng 50%, rau quả và nước dứa xuất khẩu giảm 30%, dưa chuột cũng giảm 15%.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do thị trường châu Âu gặp vấn nạn nợ công nên việc tiêu thụ hàng thủy sản và khả năng thanh toán của thị trường này đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, năm 2012 sẽ là giai đoạn nhiều thách thức. Mặc dù có không ít đơn hàng kéo dài suốt năm, thừa khả năng đạt 4,3 tỷ USD mục tiêu xuất khẩu năm 2012 nhưng doanh nghiệp chế biến gỗ chỉ có thể ký đơn hàng nhỏ và đơn hàng có thời gian 6 tháng, không dám ký cả năm như trước vì e ngại chi phí đầu vào tiếp tục tăng. Vì vậy, thị trường chính các sản phẩm gỗ chế biến là Nhật Bản giảm 8%, Mỹ giảm 9% và giảm nhiều nhất là EU vốn khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo VN xuất khẩu tháng 1-2012 cũng giảm hơn 42% về lượng và gần 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Giá xuất bình quân hơn 550 USD/tấn, cao hơn 46% so cùng kỳ là nhờ hợp đồng ký trước đó. Hầu hết khách hàng đến tìm hiểu thị trường nhưng chưa vội mua. Trước tình hình này, VFA đã đề nghị Chính phủ có chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân với giá khoảng 5.000 đồng/kg lúa khô vào thời điểm thích hợp.
Nhiều mặt hàng nông sản bị kiểm tra và thanh tra
Từ nay tới cuối năm, nhiều đoàn kiểm tra các nước sang Việt Nam kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng nông sản nói chung (bao gồm cả thủy sản). Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ NN-PTNT), Mỹ, Nga, Hàn Quốc và khả năng cả Nhật Bản, Trung Quốc cùng một số nước nhập khẩu thủy sản khác cũng sẽ sang thanh tra, tìm hiểu thực tế, đánh giá hệ thống kiểm soát và việc đảm bảo an toàn thực phẩm từ sản xuất thủy sản đến chế biến như việc quản lý, kiểm soát trong sản xuất, vận chuyển, sử dụng hóa chất, thuốc thú y và giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm. Kiểm tra hệ thống kiểm soát HACCP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các doanh nghiệp… Mỹ và EU kiểm tra định kỳ nhưng cũng sẽ tập trung vào các vấn đề trên.
Thời gian gần đây, nhiều lô hàng rau, quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bị thông báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật do nhiễm vi sinh và một số dịch hại. Vì vậy, ngày 14-2, Bộ NN-PTNT gửi công điện khẩn tới UBND các tỉnh thành Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) về việc tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với rau, quả xuất khẩu sang thị trường EU. Tổng vụ Sức khỏe và người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, từ 15-1-2012, nếu phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật rau, quả Việt Nam sẽ bị cấm xuất vào khu vực EU.
Trong khi đó, Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, thị trường Mỹ chiếm gần 90% lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam, do vậy sau khi 600 tấn mật ong Việt Nam bị Mỹ trả lại vì dư lượng Carbenzamin (thuốc trừ nấm) thì việc đưa hàng sang nước này gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói, Mỹ quy định về dư lượng Carbenzamin rất khác so với các nước. Những nước khác cho phép dư lượng Carbenzamin trong mật ong là 0,01mg/kg nhưng Mỹ thì cấm hoàn toàn. Dù 2 nước có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thống nhất được quy định tỷ lệ chất tồn dư Carbenzamin trong mật ong. Có thể nói, sau khi VN lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong (năm 2010) thì số người nuôi ong tăng lên nhiều nhưng vì lợi nhuận, chất lượng sản phẩm lại không được chú trọng đúng mức. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu mật ong nhiều thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc và đứng thứ 6 thế giới. Trong lúc đó, việc ngăn chặn hiện tượng đưa mật ong Trung Quốc trộn với mật ong Việt Nam để xuất khẩu chưa thật sự hiệu quả. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và uy tín về chất lượng mật ong Việt Nam vốn được các nước đánh giá cao trước đó. Vì vậy, việc sản xuất mật ong sạch là điều mà các địa phương và doanh nghiệp phải hướng đến. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề này nguy cơ mất thị trường xuất khẩu là điều có khả năng xảy ra với mặt hàng mật ong.
Công Phiên