Dù nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí hàng đầu thế giới, trong đó có những mặt hàng chiếm lượng giao dịch rất cao như hồ tiêu, cà phê, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Nhưng thế mạnh và vị trí thật sự nhiều mặt hàng vẫn chưa thể xem là căn cơ. Bên cạnh nguyên nhân khách quan về thị trường và sự không ổn định của giá thì yếu tố chủ quan, sự thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (DN) và giữa bản thân các DN do nghĩ đến cái lợi trước mắt lại là điểm yếu, tạo cơ hội cho nhà nhập khẩu khai thác triệt để trong giao dịch.
Khi ta hại ta
Mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh Việt Nam chiếm hơn 95% hàng giao dịch thị trường thế giới. Lượng hàng vào Mỹ tăng mạnh từng năm, nhưng do mất đoàn kết làm giá bán giảm dần khiến Hiệp hội Cá nheo Mỹ có lý do để “hại” bằng việc vận động Bộ Thương mại Mỹ áp dụng Luật Bán chống phá giá với mức thuế từ 36%- 64%. Nhưng sản phẩm cá tra xuất khẩu Việt Nam không bị “chết yểu” như nhiều người lo ngại mà lại còn phát triển mạnh sau đó, khi mở rộng sang nhiều thị trường tiềm năng khác. Tuy vậy, mặt hàng này lại “chết trên sân nhà” do “căn bệnh” cố hữu “ta hại ta”.
Các DN tự cạnh tranh lẫn nhau, thay vì liên kết cùng giữ giá lại giảm giá bán để giành khách hàng. Vì vậy, sau thời gian phát triển manh mẽ, cuối những năm 2.000 ngành hàng cá tra bắt đầu “nấc cục”, tình trạng thừa rồi thiếu nguyên liệu lặp đi lặp lại làm cả người nuôi và DN “ngất ngư” khi “quân ta đánh quân mình”. Do mua bán chụp giựt, sẵn sàng giảm chất lượng, bán giảm giá để tranh giành mối đã bị nhà nhập khẩu chèn ép lại. Đến khi suy thoái kinh tế kéo dài thì những điểm yếu này bắt đầu lộ ra, nhiều DN “chết lâm sàng”. Không ít DN trên bờ phá sản hay mất cân đối thu chi. Khi ngân hàng siết chặt tín dụng làm cho khó khăn nhiều hơn, buộc DN phải bán giảm giá để thu hồi vốn, trả nợ đáo hạn làm cho tình hình thêm khó khăn. Số DN ngưng hoạt động, phá sản tăng mạnh năm 2012.
Với ngành điều, mặt hàng có lượng xuất khẩu lớn nhất thế giới từ 5-6 năm nay lại rơi vào bi kịch khác, lượng chế biến càng lớn kim ngạch xuất khẩu càng tăng. Năm 2012 xuất gần 1,5 tỷ USD nhưng diện tích điều trong nước ngày càng giảm, từ trên 450.000ha giờ đây chỉ còn 362.000 ha. Lượng điều nhập khẩu tăng dần, hiện nay ở mức 50%.
Chính vì điều này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, một ngành dù chiếm vị trí cao trong xuất khẩu nhưng lại không chủ động nguyên liệu tại chỗ, phải đi nhập khẩu không thể nói là bền vững. Ngành điều phải chủ động tạo ra vùng nguyên liệu cao sản nếu không việc chế biến nhân điều xuất khẩu cũng chỉ là gia công.
Tiến sĩ Bùi Chí Bữu cảnh báo, nếu không nhanh chóng tạo ra vùng nguyên liệu trong nước, ngay cả việc nhập khẩu cũng có thể bị cạnh tranh gay gắt thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã sang châu Phi đầu tư vùng nguyên liệu và họ đang xây dựng nhiều nhà máy chế biến nhân điều hiện đại tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) với tham vọng biến nơi này trở thành trung tâm chế biến nhân hạt điều lớn nhất thế giới.
Chấp nhận lùi để tiến
Thủy sản luôn là ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và đứng ở vị trí cao của ngành nông nghiệp nói chung. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là 6,17 tỷ USD, tăng 0,7%. Năm 2011 xuất khẩu thủy sản tăng 21,8%. Có thể nói đây là mức tăng thấp nhất của ngành hàng này trong nhiều năm qua. hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn nhất của thủy sản là con tôm và cá tra đã không thể về đích. Năm nay xuất khẩu tôm chỉ đạt 2,25 tỷ USD, giảm 6,3% so với năm 2011.
Tại buổi tổng kết ngành tôm xuất khẩu năm 2012, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, năm 2013 có 3 kịch bản về kim ngạch xuẩt khẩu mặt hàng này, có thể kim ngạch sẽ tiếp tục giảm chỉ còn 1,9 tỷ USD hoặc xấp xỉ như năm 2012, cũng có thể xuất hiện sự đột biến để tăng lên 2,5 tỷ USD. Nhưng đang nghiêng về kịch bản xấu nhất. Lý do là những khó khăn cơ bản của ngành tôm là dịch bệnh, chi phí đầu vào, vốn và dư lượng hóa chất (hiện nay là Ethoxyquin) vẫn chưa thấy triển vọng khắc phục sớm. Thức ăn (chiếm 50%-70%), chi phí giá thành bị DN nước ngoài chi phối, cùng với chi phí khác đều tăng nên giá thành con tôm Việt Nam cao hơn 15%-25% so với giá tôm Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador. Tỷ lệ nuôi thành công con tôm chỉ đạt 30%-40% trong khi Thái Lan là 70%.
Mặc dù ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, vấn đề dịch bệnh (đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm) đã cơ bản tìm được nguyên nhân, cũng như dư lượng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản, rào cản lớn nhất để xuất khẩu Nhật Bản đã được nhà sản xuất dùng chất khác thay thế. Nhưng các DN lại bi quan cho rằng, ngay cả chất thay thế cũng sắp nằm trong danh mục chuẩn bị cấm của Nhật Bản.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), nơi tập hợp những trang trại nuôi tôm công nghiệp lớn nhất vùng ĐBSCL cho rằng, “căn bệnh” khó trị hiện nay của con tôm chính là bệnh thiếu vốn. Việc ngân hàng thắt chặt tín dụng và lãi suất cao trong bối cảnh người nuôi tôm bị kiệt sức, đã triệt tiêu khả năng nuôi của nhiều người.
Là tổng giám đốc đơn vị có kim ngạch xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước với 320 triệu USD năm 2012 nhưng ông Trần Văn Quang (Công ty Minh Phú - Cà Mau) cho rằng, những nước khác chê thị trường Nhật Bản vì phải làm cực hơn, nhưng lại hưởng ít hơn nên đã “nhường” cho Việt Nam. Vì vậy, ông Trần Thiện Hải cho rằng, chúng ta cần chấp nhận thực tế hiện nay, phải tổ chức lại sản xuất, có thể kim ngạch giảm tiếp vào năm sau, chỉ khi việc sản xuất đi vào căn cơ sẽ tạo đà phát triển những năm sau đó.
CÔNG PHIÊN
- Thông tin liên quan: