Thiếu nguyên liệu, nhà máy vẫn mở ồ ạt
Từ năm 2012 đến nay, cây sắn có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thậm chí có năm lên tới 1,4 tỷ USD và được Bộ Công thương đưa vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành này có 120 nhà máy, chưa kể đến các nhà máy quy mô thủ công hộ gia đình. Tuy nhiên, chỉ trên 50% nhà máy đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân, dẫn đến tình trạng DN cạnh tranh quyết liệt, đẩy chi phí lên cao, tác động đến yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
Từ việc đầu vào quy hoạch không đồng bộ, tăng số lượng nhà máy cũng như tăng công suất sản xuất quá nhanh, đã phá vỡ quy hoạch, thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Theo hiệp hội, nếu tình trạng này kéo dài thì có nhiều nhà máy sẽ phá sản. Hơn nữa, đầu ra của cây sắn hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đến khi bị cấm xuất khẩu thì DN mới lo lắng! Sau lệnh cấm, Bộ NN-PTNT đã lập danh sách 66 DN (thuộc hiệp hội) gửi Hải quan Trung Quốc chấp thuận được tiếp tục xuất khẩu. Hiện hiệp hội đang lập thêm danh sách trình Bộ NN-PTNT xin xác nhận xuất khẩu qua Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 90% xuất khẩu, nên đã ảnh hưởng đến rất nhiều DN, nông dân và công nhân. Gần như hoạt động xuất khẩu đang bị đình trệ gần 2 tháng qua. Theo đại diện một DN, các thông tin từ hiệp hội rất chậm, thậm chí có trường hợp DN liên hệ, điện thoại nhiều lần nhưng lãnh đạo hiệp hội không nghe máy. Một thực tế là nhà máy đang dư thừa, thiếu nguyên liệu nhưng nhiều tỉnh lại đồng ý mở thêm nhà máy. Liệu địa phương có nắm được tình hình thực tế hay đang “góp phần” ép các DN đi vào con đường… phá sản? Ngoài ra, trồng sắn chỉ theo thời vụ, DN phải ứng tiền ra mua trước và nếu không xuất khẩu được sẽ dẫn đến nguy cơ lỗ nặng.
Theo một công ty, hiện DN cần được nhà nước, các bộ ngành liên quan hướng dẫn cách làm để được xuất khẩu trở lại. Nếu xuất khẩu chính ngạch, Bộ NN-PTNT cần làm việc lại với phía Trung Quốc về những yêu cầu và việc không thông báo trước để DN có lộ trình thay đổi. Điển hình, cứ khoảng 2 năm, phía Trung Quốc lại đột ngột yêu cầu thay đổi bao bì một lần khiến DN phải tốn chi phí đăng ký chuyển đổi và nhất là những sản phẩm đã đóng thành bao sẵn giờ phải tháo ra đóng lại. Một trong những tỉnh có diện tích trồng sắn lớn, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay tỉnh đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh khảm lá sắn đã bùng phát rất mạnh và kiến nghị Bộ NN-PTNT có biện pháp hỗ trợ ngăn chặn, phòng chống; đồng thời cần phối hợp nghiên cứu giống mới để đạt năng suất cao.
Đề án tái cơ cấu ngành
Theo một công ty giám định của Trung Quốc tại Việt Nam (đơn vị thứ 3), với việc đời sống người dân ngày càng nâng cao nên Trung Quốc đã thắt chặt đối với thực phẩm không an toàn. Tại khu vực cửa khẩu hải quan, quá trình kiểm tra chất lượng sẽ tốn thời gian khá dài nên DN Việt Nam cần đăng ký thời gian lưu bãi hợp lý để tránh phát sinh chi phí. Hơn hết, các sản phẩm xuất khẩu cần có truy xuất nguồn gốc.
Về phía Việt Nam, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, đề nghị Trung Quốc cần thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hóa tại 2 đầu cửa khẩu. Bộ NN-PTNT định hướng lại quy hoạch cân đối và hợp lý giữa việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với việc đầu tư mới các nhà máy chế biến nhằm tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đề nghị phía Trung Quốc khi có thay đổi chính sách cần có thời hạn và thông báo qua kênh thông tin chính thống.
Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho hay nhiều năm nay, Hiệp hội Sắn Việt Nam hoạt động kín kẽ, khó tiếp cận, nhiều khi cục liên hệ không được để cung cấp thông tin thị trường của các nước nhập khẩu. Song song đó, các DN cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, chuyển sang giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi sản xuất. Đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý, giám sát quá trình sản xuất và chế biến, xây dựng chương trình quản lý chất lượng an toàn sản phẩm.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, sẽ thường xuyên tăng cường thông tin thị trường, cập nhập giá cả, nhu cầu thị trường, chính sách nhập khẩu và thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản thương mại của từng thị trường để tránh tình trạng DN bị động với diễn biến thị trường. Song song đó, xây dựng hệ thống thông tin tiêu chuẩn chất lượng, kết nối thông tin sản xuất với các thông tin thị trường tiêu thụ. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản rà soát công suất của các nhà máy, dựa trên cơ sở đó có văn bản gửi các địa phương về vấn đề mở các nhà máy mới. Bên cạnh đó, DN cũng cần lấy vai trò của hiệp hội làm trung tâm để điều phối và hiệp hội đứng ra tập hợp DN để làm theo định hướng của nhà nước. Bộ NN-PTNT sẽ gửi công hàm đề nghị phía Trung Quốc mở lớp tập huấn cho DN Việt Nam học tập các quy định về tiêu chuẩn chất lượng. “Nhằm định hướng ngành sắn không đi theo vết xe đổ như ngành mía đường, hồ tiêu, Bộ NN-PTNT giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp Hiệp hội Sắn Việt Nam xây dựng đề án tái cơ cấu lại ngành sắn Việt Nam để có định hướng giống, vùng trồng, nhà máy sản xuất và tiêu chí kỹ thuật, tránh tình trạng trồng ồ ạt làm giá cả khó cạnh tranh. Đặc biệt, tăng cường thông tin truyền thông để nông dân, thương lái, DN biết để có kế hoạch phát triển”, ông Trần Thanh Nam yêu cầu.