Xúc tiến xuất khẩu bằng công nghệ 4.0

Dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc di chuyển, tiếp xúc đã khiến các ngành xuất khẩu gần như “trì trệ” do không thể mở hội nghị, hội chợ, triển lãm… Nhanh chóng phù hợp với “trạng thái” dịch, nhiều ngành nông nghiệp đã xây dựng trang thương mại điện tử, hội thảo trực tuyến để quảng bá sản phẩm.

Vượt qua cản trở địa lý

Theo báo cáo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (gọi tắt là gỗ) trong tháng 4-2020 giảm gần 19% so với cùng kỳ; tháng 5 giảm hơn 15% so cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, xuất khẩu gỗ tăng trưởng rất tốt; tháng 6 đạt 946,9 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ; tháng 7 đạt 1,05 tỷ USD, tăng tới 20,7% so với cùng kỳ; tháng 8 ước đạt 1,15 tỷ USD. Tại sao xuất khẩu gỗ lại có cú lội ngược dòng khá ngoạn mục và nổi bật, dù không tổ chức hội chợ, triển lãm?

Dù biết đặc thù sản phẩm gỗ phải được tận mắt nhìn, quan sát mới có thể cảm nhận được, nhưng Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) vẫn chủ động định hướng khách hàng khi nhanh chóng ra mắt nền tảng triển lãm trực tuyến (HOPE), thích nghi tình hình mới. Trên cơ sở này, các nhà trưng bày được thể hiện năng lực cạnh tranh thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, quy mô sản xuất và cung ứng toàn cầu một cách trực quan, chuyên nghiệp nhằm gia tăng cơ hội bán hàng cho các thị trường quốc tế.

Nhà mua hàng có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm, lựa chọn các đơn vị cung cấp tiềm năng dựa trên các thông tin phong phú được xác thực bởi HAWA. Đặc biệt, HAWA ra mắt “robot” giúp khách hàng có thể đăng nhập qua hệ thống online, điều khiển từ xa, tham quan hội chợ trực tuyến, di chuyển đến từng gian hàng để được nhân viên tư vấn mà không cần đến nơi.

Xúc tiến xuất khẩu bằng công nghệ 4.0 ảnh 1 Sản xuất ván gỗ tại Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Trong đợt dịch, Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến để kết nối giao thương. Nhất là vào thời điểm khó khăn trong khâu logistics, nhờ họp trực tuyến, các đối tác đã hướng dẫn thủ tục vận chuyển hàng hóa để thuận lợi hơn. Nhờ đẩy mạnh công nghệ mà doanh số bán hàng online tăng gấp 3 lần so với trước kia.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, chia sẻ: “Không thể gặp khách hàng trực tiếp, công ty bắt buộc tăng cường đầu tư vào công nghệ. Để có hình ảnh quảng bá, công ty phải tuyển thêm nhân sự công nghệ thông tin dựng phim để gởi sản phẩm qua phim, hình ảnh đến khách hàng và quảng bá trên mạng xã hội”. Tương tự, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho hay, đối với khách hàng mới, công ty sẽ trao đổi, làm việc qua trang mạng xã hội, hệ thống trực tuyến. Sau khi “thương thảo” sản phẩm, nếu đối tác nhập khẩu đồng ý, công ty sẽ gởi sản phẩm dùng thử theo đường máy bay.

Tiềm năng tại các nước phát triển

Theo Bộ NN-PTNT, dịch bùng phát đã làm nhiều nhân viên “dịch chuyển” chỗ làm từ văn phòng về nhà. Do vậy, người tiêu dùng thường xuyên mua nhiều sản phẩm nông nghiệp để “phục vụ” công việc tại nhà. Một lợi thế, nhiều nước xuất khẩu đang giãn cách xã hội do dịch bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất; trong khi đó Việt Nam đang chống dịch hiệu quả, được nhiều nước lựa chọn nhập khẩu.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch, bắt buộc DN phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thay đổi phương thức quản lý từ truyền thống sang công nghệ. Có thể thấy, bài toán này giải được giúp cho DN, nhà nước tiết kiệm chi phí tổ chức hội thảo, di chuyển, ăn, ở…”.

Ngoài lợi thế về thương mại điện tử, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, nhấn mạnh, các DN Việt Nam cần tiếp tục nâng cao công tác xúc tiến thương mại, hoạt động truyền thông, xây dựng nền công nghiệp nâng chất lượng sản phẩm để nhanh chóng bước vào chuyển đổi số nâng cao cơ hội xuất khẩu. Dù phát triển công nghệ nhưng ngành gỗ Việt Nam còn làm gia công rất nhiều, chưa phát triển toàn diện. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục mở cửa thu hút đầu tư nên sẽ có thêm nhiều DN FDI tham gia.

Do vậy, DN Việt Nam sẽ bắt buộc nâng cao năng lực sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao, cạnh tranh với DN FDI. Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách, để DN tiếp cận. HAWA đang mời các chuyên gia, giảng viên có chuyên môn về thiết kế, công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại… trở thành ban cố vấn cho hiệp hội. Có thể thấy, không chỉ riêng ngành gỗ mà tất cả ngành khác cũng phải đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định, xúc tiến bằng công nghệ là xu hướng rất tốt cho DN, nhà nước. Dù dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng nhiều DN vẫn xuất khẩu được nhờ công nghệ mà không phải phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Song song đó, thương mại điện tử không phải thị trường hẹp, giúp DN tìm kiếm được khách hàng mới, tiềm năng; đặc biệt chỉ có những nước phát triển, công nghệ tiến bộ. Đây là cơ hội giúp cho sản phẩm Việt Nam tìm kiếm được đối tác mới.

Nhân rộng mô hình sàn giao dịch điện tử

* Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty D’Furni:

Trong hoàn cảnh “bế quan tỏa cảng”, HOPE giống như một showroom trực tuyến, là phương thức tốt nhất để DN tiếp cận đối tác toàn cầu. Có thể thấy, HOPE không phải giải pháp tình thế mà là giải pháp bền vững, hướng tới phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử. Sau khi đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến, DN đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các khách hàng mới và khách hàng cũ. Thị trường online đang là bệ phóng giúp đẩy nhanh hiệu quả kinh doanh cho DN, là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm các các hội chợ, kênh tiếp thị, bán hàng trực tiếp khó khăn.

* Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Hương Nga:

Sau khi giãn cách xã hội toàn cầu, DN đã tăng cường làm việc với công suất gấp ba lần so với trước kia để tìm kiếm đơn hàng bằng cách gọi điện thoại, gửi thư điện tử, nhưng vẫn không có đơn hàng do khách hàng chưa xem được sản phẩm trực tiếp. Kể từ khi HOPE ra đời, sản phẩm của công ty có thể tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống trực tuyến. Sản phẩm của các DN sẽ được đội ngũ HAWA thiết kế đồ họa, chụp ảnh đưa lên HOPE. Công ty chỉ gởi đường link cho đối tác xem, trải nghiệm thực tế. Cùng với đó, sản phẩm gỗ phải điều chỉnh thiết kế cho thuận tiện vận chuyển, phù hợp với yêu cầu thực tế.

* Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA:

Đối với HOPE, HAWA phối hợp các tham tán thương mại tại nước ngoài quảng bá nền tảng này. Sự ra đời của HOPE góp phần hoàn chỉnh các kênh xúc tiến thương mại, đem lại cho người bán và nhà mua hàng dễ dàng kết nối xuyên suốt, nhanh chóng. Thông qua các các sự kiện, hội thảo, giao thương trực tuyến trên HOPE, khách hàng sẽ được cập nhật các thông tin, xu hướng mới về ngành gỗ và nội thất Việt Nam từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Khách hàng sẽ trải nghiệm không gian thực tế ảo của showroom, nhà xưởng, văn phòng và sản phẩm của DN được thể hiện trực quan và sống động. Trước đây, sự tương tác giữa người mua - người bán thường chỉ diễn ra đôi lần trong năm; thông qua chuyển đổi tiếp thị số, sự tương tác sẽ liên tục và thường xuyên hơn mà không bị trở ngại từ rào cản địa lý, thời gian.

Tin cùng chuyên mục