Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Ảrập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, tới Mátxcơva ngày 29-12 để thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về tình hình xung đột tại Syria. Đây được xem là những nỗ lực cuối cùng về ngoại giao nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 21 tháng qua tại Syria.
- Còn nhiều trở ngại
Nội dung chính được đề cập tại cuộc gặp là tăng cường vai trò của LHQ trong việc giải quyết và sớm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa quân chính phủ và phe đối lập tại Syria. Theo Reuters, mặc dù cả 2 bên cùng thống nhất rằng vẫn còn cơ hội cho đối thoại để chấm dứt tình trạng bạo lực nhưng không có một bước tiến thực sự nào trong vấn đề Syria.
Ngoại trưởng Nga tái khẳng định quan điểm của Mátxcơva rằng việc Tổng thống Bashar al-Assad ra đi không thể là điều kiện tiên quyết cho một giải pháp chính trị và những yêu cầu như vậy là “không đúng” và việc phe chống đối từ chối đối thoại với chính quyền ông Assad là đưa Syria vào “ngõ cụt”. Một ngày trước cuộc gặp với ông Brahimi, Mátxcơva cũng đã đề nghị một cuộc đối thoại với người đứng đầu phe đối lập tại Syria nhưng đã bị từ chối.
Reuters cho rằng kết quả cuộc đối thoại lần này một lần nữa cho thấy trở ngại chính trong ngoại giao về vấn đề Syria vẫn là việc HĐBA LHQ không tìm được tiếng nói chung vào điều này cũng sẽ khó thay đổi vào đầu năm 2013. Mặc dù mới đây nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận “Syria cần có sự thay đổi” nhưng vẫn khẳng định không kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, và tương lại của Syria phải để người dân nước này tự quyết định, không chấp nhận sự can dự của nước ngoài vào Syria.
Trong khi những nỗ lực ngoại giao đang được cộng đồng quốc tế ra sức thúc đẩy, các cuộc giao tranh đẫm máu vẫn tiếp diễn tại Syria. Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Tổ chức giám sát nhân quyền Syria cho biết ít nhất 153 người chết trong các cuộc giao tranh một ngày trước khi ông Brahimi đến Mátxcơva.
- Thêm những thách thức
Tạp chí Á-Âu mới đây nhận định các mâu thuẫn và tình trạng đảo ngũ có thể cho thấy chế độ Syria đang tan rã. Mới nhất, ngày 28-12, 2 tướng không quân của Syria đã đảo ngũ khỏi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và gia nhập lực lượng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, hai viên tướng này là các chỉ huy lực lượng không quân khu vực, đã vượt qua biên giới, đến thị trấn Reylanli ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tạp chí trên cũng cho rằng mặc dù vẫn kiên định với lập trường của mình nhưng gần đây, Nga dường như do dự trong việc ủng hộ chế độ của ông Assad. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov hôm 13-12 đã nhận xét “không thể loại trừ phe đối lập giành thắng lợi”. Mặc dù ngày 14-12, Nga nhanh chóng bác bỏ tuyên bố đó, nhưng vẫn gây hoài nghi trong dư luận. Nghi ngờ được củng cố thêm khi hãng tin Interfax của Nga loan báo ngày 18-12 rằng Nga phái nhiều tàu chiến tới Địa Trung Hải để sẵn sàng di tản công dân Nga khỏi Syria.
Trung Quốc phủ quyết các nỗ lực trước đó của HĐBA LHQ nhằm thông qua nghị quyết về Syria để dẫn đến hành động quân sự quốc tế như đối với Libya. Nhưng ngày 18-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của người dân Syria và có thái độ tích cực và cởi mở với bất cứ giải pháp chính trị nào được các phe phái Syria chấp nhận”. Tuyên bố của Trung Quốc cho thấy ít nhiều Trung Quốc cũng mềm dẻo hơn về việc thay đổi ở Syria. Tổng thống Assad đang đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài.
Ngày 18-12, hệ thống đầu tiên trong 6 hệ thống tên lửa Patriot của NATO đã được triển khai dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Sau khi triển khai đầy đủ, khoảng hơn 1.000 binh sĩ Mỹ, Đức và Hà Lan sẽ được điều động đến Thổ Nhĩ Kỳ để quản lý các hệ thống này. Trước đó, tháng 10-2012 Mỹ điều động lực lượng đến biên giới Jordan-Syria để giúp tăng cường khả năng quân sự của Jordan đề phòng bạo lực tại Syria tràn sang nước này.
ĐỖ CAO (tổng hợp)