Xung đột sắc tộc tại miền Nam Kyrgyzstan: 100.000 người tháo chạy sang Uzbekistan

Xung đột sắc tộc tại miền Nam Kyrgyzstan: 100.000 người tháo chạy sang Uzbekistan

Theo Hãng tin AFP, ngày 14-6, xung đột sắc tộc vẫn tiếp tục lan rộng tại miền Nam Kyrgyzstan, khiến 100.000 người Kyrgysztan gốc Uzbekistan với đa số là phụ nữ, trẻ em, phải tháo chạy sang biên giới Uzbekistan (ảnh). Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, Uzbekistan buộc phải đóng cửa biên giới vì số lượng người di tản vẫn liên tục tăng.

Hãng AP cho biết, những cuộc đấu súng giữa nhóm chống đối và ủng hộ chính phủ lâm thời tại các làng Suzak, Bazar- Kurgan, thành phố Jalalabad, Osh… đã khiến 200 người thiệt mạng, 1.600 người bị thương. Tuy nhiên, các nhà chức trách chỉ xác nhận số người thiệt mạng là 124.

Những nhóm chống đối liên tiếp đốt phá cửa hàng, siêu thị, lốp xe trên nhiều đường phố ở Osh, gây ra tình trạng hỗn loạn tại thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan. Tình hình tại đây càng trở nên tồi tệ hơn khi điện, nước ở một số nơi bị cắt, khiến sinh hoạt của người dân lâm vào cảnh khó khăn.

Theo tin từ AP, lực lượng cảnh sát tại thành phố và các ngôi làng xảy ra bạo động hiện vẫn còn dàn trải với lực lượng mỏng. Lý do là chính quyền không có một lực lượng quân đội hùng hậu đủ sức đương đầu với cuộc xung đột trong nước, lối thoát hiện nay là trông chờ lực lượng quân đội dự bị đang được tuyển mộ tại nhiều vùng trên cả nước.

Tân Hoa xã cho rằng, đây thực sự là một thách thức lớn đối với chính quyền non trẻ của Tổng thống lâm thời Otunbayeva. Mâu thuẫn giữa người Kyrgyzstan và Uzbekistan đã tồn tại từ lâu nhưng không được chính phủ tiền nhiệm giải quyết triệt để. Hơn nữa, miền Nam Kyrgyzstan còn được coi là căn cứ của cựu Tổng thống Bakiyev, người đã bỏ chạy sang Belarus, nên tình hình lúc này càng diễn biến phức tạp hơn.

Các nhà phân tích đang lo ngại về khả năng Kyrgyzstan sẽ rơi vào nội chiến nếu mâu thuẫn không sớm được giải quyết. Các vụ bạo loạn này được coi là tồi tệ nhất kể từ khi ông Bakiyev bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy đổ máu hồi tháng 4.

Trong khi đó, ông Bakiyev, đã lên tiếng bác bỏ việc có dính líu đến vụ xung đột tại Kyrgyzstan, sau khi chính phủ nước này tuyên bố nhiều khả năng ông đã vạch ra kế hoạch này nhằm lật đổ chính phủ mới, cản trở việc chính phủ lâm thời tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức vào ngày 27-6 tới.

Về mặt chiến lược, Kyrgyzstan chiếm một vị trí vô cùng quan trọng đối với cả Mỹ lẫn Nga, do cả hai cường quốc này đều có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Kyrgyzstan. Vì thế, khi nước này xảy ra vụ xung đột sắc tộc, Nga và Mỹ đều bày tỏ quan ngại và tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình xảy ra. Bà Otunbayeva đã lên tiếng kêu gọi Nga gửi quân đội sang hỗ trợ, song Nga từ chối. Điện Kremlin tuyên bố không can thiệp vào nội bộ nước này và chỉ sẵn sàng cho việc hỗ trợ nhân đạo. Nga chỉ đưa một tiểu đoàn lính dù đến căn cứ quân sự ở Kant để bảo đảm an toàn cho quân nhân Nga và gia đình của họ. Tổng thống Medvedev tuyên bố sẽ đưa cuộc xung đột đang diễn ra tại Kyrgyzstan ra thảo luận cuộc họp của thư ký Hội đồng an ninh các nước tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (OKDB) nhằm tìm giải pháp hòa bình cho tình hình nước này.

Trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Kyrgyzstan, Tổ chức Y tế thế giới đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người dân đang bị bao vây trong cuộc bạo động. LHQ cũng đã hỗ trợ lương thực cho hàng chục ngàn người dân đang sơ tán tại Uzbekistan. Trung Quốc tuyên bố sẽ điều động một máy bay đến Osh, để đưa người dân nước này rời khỏi khu vực nguy hiểm.

T.Hằng

Tin cùng chuyên mục