Xung đột Ukraine, IS làm nóng MSC

Ukraine - trọng tâm của đối thoại Nga - Mỹ
Xung đột Ukraine, IS làm nóng MSC

Hôm nay, ngày 6-2, Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 51 diễn ra tại Đức. Cuộc xung đột tại Ukraine, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sự sụp đổ của trật tự toàn cầu sẽ là những chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị kéo dài trong 3 ngày (kết thúc ngày 8-2).

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Ukraine - trọng tâm của đối thoại Nga - Mỹ

Hội nghị an ninh lớn nhất thế giới năm nay sẽ có sự tham dự của hơn 400 quan chức, trong đó có khoảng 20 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tham dự hội nghị. Ngoài ra, khoảng 60 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng các nước, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng sẽ có mặt tại MSC.

Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger cho biết, hội nghị lần này sẽ thảo luận những vấn đề mang tính thời sự, trong đó có căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine. Hai nhà lãnh đạo ngành ngoại giao của Mỹ và Nga sẽ có cuộc gặp tại MSC. Khi được hỏi về những nội dung ông John Kerry và ông Sergei Lavrov thảo luận trong cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay, rất nhiều vấn đề, trong đó có Iran, Syria, Triều Tiên, có thể sẽ được bàn tới.

Mặc dù bà Psaki không đề cập nhiều đến vấn đề Ukraine, giới quan sát cho rằng cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu có thể là đề tài chính trong cuộc gặp giữa ông Kerry và ông Lavrov trong bối cảnh có nhiều nguồn tin xung quanh việc Chính phủ Mỹ đang tính đến chuyện gửi vũ khí cho chính quyền Kiev. Trước khi tham dự MSC, ông Kerry cũng đã có chuyến thăm tới Ukraine để thể hiện sự ủng hộ của Washington với Kiev.

Ngày 5-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Mátxcơva rất quan ngại về khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine. Ông Lukashevich nhấn mạnh nếu quyết định này được thực hiện sẽ gây tổn hại nghiêm trọng các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, đặc biệt là khi vũ khí do Mỹ cung cấp gây thương vong cho dân thường ở khu vực Donbass gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk. Điều này không chỉ khiến tình hình khủng hoảng tại miền Đông Ukraine thêm nghiêm trọng mà còn đe dọa an ninh của Nga, trong bối cảnh lãnh thổ của Nga đã nhiều lần bị pháo kích từ Ukraine.

Chống IS mạnh hơn

MSC diễn ra 1 tháng sau cuộc khủng bố vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo gây chấn động châu Âu và hàng loạt các vụ hành quyết con tin gần đây của IS. Từ Âu sang Á thời gian qua, IS là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc chiến chống lại Hồi giáo cực đoan và các lực lượng vũ trang thánh chiến. Trước MSC, ngoại trưởng của 21 quốc gia trong tổng số 60 nước thành viên của liên minh chống IS đã tụ họp ở London để bàn phương cách chống khủng bố. Mỹ đã khẳng định tiếp tục chiến lược chống khủng bố mà nước này cùng liên quân đang thực hiện. Theo đó, riêng tại Iraq, liên quân đã thực hiện gần 2.000 vụ không kích trên diện tích trải dài gần 500km². Tuy nhiên, Mỹ nhấn mạnh các thành viên phải mạnh tay hơn nữa trong việc chống IS.

Theo giới quan sát, MSC sẽ thảo luận một trong những vấn đề liên quan đến chiến lược chống IS đó là làm sao để ngăn chặn được công dân mỗi nước tham gia lực lượng IS cũng như các nhóm thánh chiến khác. Trong một thống kê mới đây, khoảng 3.000 đến 5.000 công dân châu Âu hiện đang chiến đấu cho các lực lượng thánh chiến Hồi giáo tại Trung Đông.

Nhiều ý kiến cho rằng xung đột ở nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi như Syria, Libya… đã tạo điều kiện “dung dưỡng” khủng bố. Vì vậy, chung tay giải quyết xung đột tại các điểm nóng trên cũng là vấn đề cấp bách. Theo chương trình nghị sự, MSC cũng sẽ thảo luận các vấn đề nóng, như chương trình hạt nhân của Iran, vấn đề người tị nạn ở châu Âu, sự bùng nổ của dịch bệnh Ebola….

Khi hãng tin Deutsche Welle hỏi về việc đảm bảo an ninh cho MSC trong bối cảnh rất nhiều quan chức đổ về hội nghị quan trọng này, ông Wolfgang Ischinger cho biết, thành phố Munich sẽ huy động khoảng 3.000 cảnh sát để bảo vệ MSC.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục