Bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải” có sự tham gia của một đạo diễn và nhiều diễn viên người Trung Quốc, bối cảnh chính và chủ yếu được quay tại Trung Quốc, thậm chí một số bối cảnh như đường phố Sài Gòn, Hội An cũng được dựng trong phim trường Trung Quốc… Vì thế, không ít ý kiến cho đây sẽ là một phim mang đậm màu sắc Trung Quốc. Trước dư luận như vậy, đoàn làm phim đã chọn cách trả lời là im lặng. Tuy nhiên, mới đây khi phim ở vào giai đoạn hậu kỳ, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam (đơn vị sản xuất bộ phim) đã lên tiếng về bộ phim này…
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại TPHCM, với sự có mặt của ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam (VN), đạo diễn người Trung Quốc Phạm Đông Vũ, nữ diễn viên Mỹ Duyên - một vai nữ quan trọng trong phim. Nhóm làm phim vừa hoàn tất một số cảnh quay ngoại cảnh cho bộ phim tại Hạ Long, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Mỹ Sơn…
Bộ phim ban đầu có tên “Hành trình qua Ba Bể” và mới được đổi thành “Vượt qua bến Thượng Hải”, kể về giai đoạn Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng tại Trung Quốc. Đây có thể xem là phần tiếp theo của bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”. Sau khi rời Hồng Kông, với sự giúp đỡ của gia đình luật sư Frank Loseby, Nguyễn Ái Quốc đã xuống Hạ Môn, từ đó Người đến Thượng Hải. Tại đây, Người đã gặp bà Tống Khánh Linh và được bà giúp đỡ để liên lạc với Quốc tế cộng sản… Câu chuyện phim hoàn toàn diễn ra tại Trung Quốc, đó là lý do vì sao bối cảnh phim được chọn quay tại phim trường Hoành Điếm, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. “Bộ phim bám sát lịch sử và có những tình tiết hư cấu để tạo sự hấp dẫn” – ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết.
Ban đầu kịch bản được xây dựng theo dạng phim hành động, trinh thám với nhiều yếu tố truy lùng gay cấn. Trong phim còn có cả yếu tố tình cảm giữa Nguyễn Ái Quốc và cô y tá Phương Thảo. Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, cuối cùng yếu tố hành động đã phải giảm xuống một nửa, tình cảm giữa hai người được chuyển thành mối tình thầm kín của riêng cô y tá. “Chi tiết Phương Thảo có một người anh là sát thủ, có nhiệm vụ truy sát Nguyễn Ái Quốc và Phương Thảo với tình yêu của mình đã theo sát để bảo vệ người mình yêu, là một trong những chi tiết hoàn toàn hư cấu được đưa vào phim để làm tăng tính hấp dẫn” - ông Xuân Hưng nói.
Trả lời câu hỏi, đơn vị sản xuất phản ứng thế nào trước dư luận cho rằng bộ phim mang màu sắc Trung Quốc, ông Xuân Hưng cho biết: “Có hai lý do để chúng tôi chọn Trung Quốc. Một là bối cảnh phim diễn ra tại Trung Quốc và hai là rất đông diễn viên trong phim là người Trung Quốc. Tại sao phim Việt Nam làm tại Trung Quốc lại có thể biến thành phim Trung Quốc? Điều quan trọng là chủ thể sáng tạo. Dù có trình độ, có trường quay ở Việt Nam, nhưng 30 tỷ đồng chưa chắc đã đủ để làm bộ phim này. Coi việc làm phim trong nước là tự hào, là yêu nước, theo tôi đó là tư tưởng lạc hậu. Làm mà giả còn tệ hơn là không làm”.
Vai Nguyễn Ái Quốc trong phim được giao cho nam diễn viên Nguyễn Minh Hải, là diễn viên của Nhà hát Kịch Trung ương, quê ở Nghệ An. Hải được xem là người có ngoại hình khá giống và nói được chất giọng của Bác. Nữ diễn viên Mỹ Duyên được chọn vào vai cô y tá Phương Thảo. Cô tâm sự: “Phương Thảo là một cô gái yêu thầm Nguyễn Ái Quốc, trong tình yêu của cô vừa có tình cảm của người con gái khi yêu, lại vừa có sự kính trọng, ngưỡng mộ, tôn thờ một bậc anh hùng, nghĩa khí…”. Đạo diễn Phạm Đông Vũ luôn miệng khen diễn viên Mỹ Duyên: “Cô ấy đóng rất tốt”. Ông Vũ hiện đang công tác tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ông đã giành được 2 giải thưởng quốc gia trong vai trò đạo diễn phim.
Khi bộ phim đang ở giai đoạn hoàn tất, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn VN thẳng thắn bộc bạch: “Làm phim về Bác là một áp lực lớn. Chúng tôi bị áp lực ngay từ khâu kịch bản, phải duyệt đi duyệt lại 4-5 lần… Bộ phim được Nhà nước tài trợ kinh phí 11 tỷ đồng, tổng chi phí làm phim là 15 tỷ đồng. Mối bận tâm hàng đầu hiện nay của nhà sản xuất là làm cách nào để phát hành phim hiệu quả”.
Ông Hưng cho biết đang thương lượng để phim được phát sóng trên kênh phim truyện nhựa của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và tìm đơn vị phát hành tốt tại VN. Ai cũng hiểu, một bộ phim dù tốt nhưng nếu không được quảng bá đúng cách thì cũng sẽ thất bại. “Vượt qua bến Thượng Hải” sẽ đến được với khán giả, thậm chí cả khán giả trẻ nếu chúng ta giải được bài toán phát hành phim…
HÀ GIANG