Những tranh cãi xung quanh việc định giá đồng Nhân dân tệ (NDT) thời gian gần đây đang làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ việc Hạ viện Mỹ vừa thông qua Dự luật cải cách ngoại hối.
Người phát ngôn Yao Jian của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, dự luật trên đã vi phạm các nguyên tắc thương mại thế giới và nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc tăng giá đồng NDT nhanh hơn.
Trong khi đó, giới quan sát kinh tế bày tỏ sự quan ngại, nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng (Trung Quốc ngày 27-9 bắt đầu đánh thuế 105% trên tất cả các sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, một động thái được cho là trả đũa dự luật của Mỹ), rất có thể một cuộc chiến thương mại giữa 2 nước sẽ xảy ra.
Nói về dự luật trên, tờ New York Times (NYT) của Mỹ ngày 29-9 có bài phân tích với tựa đề “Cultivating the Chinese Consumer” (tạm dịch Tập trung vào người tiêu dùng Trung Quốc) cho rằng, đây có thể là một sai lầm lịch sử của Mỹ.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nảy sinh vì 2 nước có 2 vấn đề chung. Thứ nhất là việc làm và thứ hai là mất cân bằng giữa tỷ lệ xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Có 2 chiến lược giải quyết những căng thẳng này là điều chỉnh mạnh đồng tiền hoặc điều chỉnh chính sách nhằm tăng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Chiến lược thứ nhất, theo NYT, sẽ không có tác dụng bởi bản thân nước Mỹ là ví dụ sinh động nhất cho sự thất bại của chiến lược này.
Mỹ đã cho phép đồng USD hạ giá 23% từ mức đỉnh năm 2002 so với đồng tiền của tất cả các đối tác thương mại chính với hy vọng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất nội địa. Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn tiếp tục phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao và thâm hụt thương mại với 90 quốc gia trên thế giới.
Vậy nguyên nhân sâu xa nào đã dẫn đến sự thâm hụt thương mại của Mỹ? Đó là vì người dân Mỹ không tiết kiệm. Nếu điều chỉnh theo sự mất giá thì tỷ lệ tiết kiệm thực của Mỹ năm 2008 là dưới 0% và năm 2009 là -2,3% thu nhập quốc gia. Không một nền kinh tế lớn nào trong lịch sử hiện đại có mức tiết kiệm thâm hụt như vậy. Để bù đắp cho sự thiếu hụt đó, nước Mỹ phải đi vay và thu hút vốn từ các nước cho vay như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
Theo NYT, việc Washington hạn chế thương mại với Bắc Kinh thông qua việc ép tăng giá đồng NDT hay áp dụng các biện pháp trừng phạt, sẽ chỉ có tác dụng ngược. Trung Quốc hoàn toàn có thể trả đũa các nhà xuất khẩu Mỹ và mua hàng hóa của các nước khác. Đây là điều đáng ngại vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể hạn chế việc mua trái phiếu của Mỹ. Khi đó, Mỹ sẽ phải quay sang vay các nước khác với chi phí cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách. Hơn nữa, khi quay lưng lại với Trung Quốc, những gia đình Mỹ vốn đang khốn khó sẽ buộc phải mua những hàng hóa đắt hơn rất nhiều so với hàng hóa của Trung Quốc.
Tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Trung Quốc lên đến 54% thu nhập quốc gia, mức cao nhất thế giới đối với một nền kinh tế lớn. Trong khi đó, tiêu dùng lại chỉ chiếm 36% GDP, mức thấp nhất đối với một nền kinh tế lớn và chỉ bằng 1/2 mức 70% GDP của Mỹ. Do đó, thế giới cần thúc giục Trung Quốc khẩn trương có những chính sách khuyến khích tiêu dùng. Đây là giải pháp sẽ có tác dụng trực tiếp và ít gây bất ổn hơn so với việc định giá lại đồng tiền.
Đ.VĂN