Trao đổi, phỏng vấn nhanh với một số HLV trong các ngày qua đều mang lại những câu trả lời chung chung, có người thì thích phương án đăng ký 4 đá 3 để tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ vào sân, có người lại thích giữ nguyên quy định 5-3 như cũ để tạo tính cạnh tranh từ các ngoại binh để tránh tình trạng “làm eo” từ các cầu thủ này. Mặt khác, việc lựa chọn phương án cũng đang làm cho VFF không mấy dễ tính bởi vừa đẩy chất lượng cho V-League và cũng tạo điều kiện cho các cầu thủ trong nước ra sân. Xem ra để dung hòa cả hai yếu tố trên không là vấn đề đơn giản.
- Sự “biến mất” của những chân sút trong nước

Niweat (TMN.CSG) tranh bóng cùng Nero (8, Đà Nẵng). Ảnh: Hoàng Vy.
Kể từ ngày làn sóng cầu thủ ngoại ồ ạt sang Việt Nam cách đây 6 năm, chất lượng của V-League đã được nâng lên rõ nét và dĩ nhiên là tỷ lệ thuận với lượng khán giả đến sân. Nói đến hàng tấn công, người hâm mộ thường nhắc đến những E.Kyember (SLNA); David Serene (NHĐA) trước kia hay những Amaobi, Kesley, Antonio, Kiatisak, Almeida, De Jesus…
Trong khi đó, những chân sút Việt Nam cũng dần chìm lĩm vào bóng tối kể từ sau thế hệ của Huỳnh Đức, Hồng Sơn. Có lúc Văn Quyến vụt sáng, nhưng rồi trở thành “sao băng” và đến nay, quanh đi quẩn lại trên hàng tấn công của ĐTQG vẫn là cặp Công Vinh – Thanh Bình, rồi thôi! Không chỉ ở hàng tấn công mà ngay các tuyến còn lại, vì nhu cầu chiến thắng để đạt mục tiêu đẩy thương hiệu, thu hút khán giả… nhiều đội bóng đã không có hứng thú hay mạo hiểm khi đưa những nội binh vào đội hình chính.
Đơn cử là Bình Dương, GĐT.LA, Đà Nẵng hay HA.GL những mùa trước đó khi trong đội hình xuất phát thường là những gương mặt cỡ “kiện tướng”, bất đắc dĩ mới đưa những cầu thủ trẻ vào sân. Ngay cả Anh Đức hay Trí Trọng thường được Bình Dương cho các đội khác mượn để duy trì và nâng cao phong độ.
- Cầu thủ có chất lượng – tỷ lệ thuận với việc kinh doanh thương hiệu
Một HA.GL trở thành “Dream Team” của bóng đá Việt Nam khi họ có trong tay dàn nội binh thượng thặng với những Mạnh Dũng, Trung Tuấn, Sỹ Hùng, Hữu Đang, Duy Quang, Văn Hạnh… cùng các cầu thủ Thái Lan thời điểm đỉnh cao về phong độ.
Khi “bầu” Đức bắt đầu trẻ hóa bằng cách điều chỉnh, đưa một số cầu thủ trẻ xung trận thì thành tích sa sút hẳn ở hai mùa vừa qua. GĐT.LA cũng vậy, nhắc đến họ, người ta thường liên tưởng đến nhóm “ngũ hổ” với Santos, Carlos, Antonio cùng cặp tiền vệ Minh Phương – Tài Em. Nhóm này đã gồng gánh nhiều cho các vị trí còn lại và chỉ cần 1 trong 5 cầu thủ trên ngồi ngoài là đội hình sẽ chệch choạc ngay.
Riêng hai anh em nhà Rodrigues đã trở thành nhân vật chính cho thành tích của Gạch ở hai mùa bóng vừa qua, tương tự như nhóm cầu thủ Thái Lan ở HA.GL.
Ở Bình Dương cũng không khác gì khi đội hình chính của họ trong các mùa qua thường là những Trường Giang, Văn Hải, Đình Phước, Hoàng Vương… cùng dàn ngoại binh có chất lượng. Điều đáng mừng ở BD là trong 2 mùa gần đây, họ đã có những gương mặt trẻ triển vọng như Văn Linh, Nguyên Quân và ở mùa qua là Vũ Phong, Quang Thanh… nhưng một khi lực lượng ngoại binh trên sân thiếu hụt, cả Bình Dương lẫn “Gạch” và “Gỗ” đều chệch choạc trên đường đi.
Hoàn cảnh của Đà Nẵng cũng không hơn gì khi lệ thuộc vào những chiến binh kỳ cựu trong nước hợp cùng bộ 3 ngoại binh không thể thiếu, thậm chí cách đây không lâu, họ còn hợp thức hóa thủ tục pháp lý để Ludovic thành cầu thủ trong nước với tên gọi Mã Trí…
- Phương án đăng ký 4 đá 3 đang được chuộng hơn
Để đạt được thành tích, các đội có tiềm lực mạnh về tài chánh sẵn sàng trang bị cho mình lực lượng cầu thủ ngoại hùng hậu và góp phần tạo sự lôi cuốn cho V-League. Nhưng ngược lại, những đội thiếu về tài chánh dĩ nhiên là gặp khó khăn khi trang bị hàng ngoại chất lượng cao, chỉ chọn quân hợp túi tiền hoặc chờ hàng dạt từ các đội khác theo kiểu “cũ người-mới ta”.
Rút ngắn bớt số lượng ngoại binh ắt hẳn VFF sẽ nhận được sự tán đồng từ đa số CLB, nhất là phương án đăng ký 4 đá 3. Bởi ngay trong thời điểm này, kế hoạch tuyển cầu thủ ngoại của nhiều đội bóng cũng chỉ dừng ở mức 4 cầu thủ, có lẽ ít nhiều đã nắm được quyết định trong các ngày tới.
Dĩ nhiên cũng có không ít lãnh đội âu lo bởi khả năng dính thẻ phạt, tiếp đến là sự “làm eo” của cầu thủ ngoại sẽ làm cho họ khó xử. Dù là đội có lực lượng cầu thủ trong nước hùng hậu mà điều đó đã minh chứng ở V-League 2006, nhưng HLV Dương Ngọc Hùng (P.Bình Định) vẫn lo lắng: “Nếu cho đăng ký 5 vẫn tốt hơn bởi sẽ tạo sự cạnh tranh tích cực vị trí của các cầu thủ nước ngoài cũng như tránh những vấn đề tế nhị từ các ngoại binh”.
Đó cũng chính là nỗi lo của không ít đội vốn đã gặp vấn đề này trước đây. Ngược lại, HLV Đặng Trần Chỉnh (TMN.CSG) thì ủng hộ phương án “4-3” qua nhận xét: “Sẽ tạo thêm vị trí và cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân”, ai cũng hiểu Thép-Cảng vốn đang dư thừa lực lượng cầu thủ trẻ trong nước nhưng lại thiếu kinh phí để mua ngoại binh “hàng hiệu”.
QUỐC CƯỜNG
Hàng nội sẽ lên giá Kéo theo những thông tin về việc sẽ rút bớt số ngoại binh ở mùa bóng tới, thị trường chuyển nhượng cầu thủ trong nước đã bắt đầu sôi động và không chỉ ở những hoạt động âm thầm mà nay đang dần công khai và quyết liệt hơn. SLNA đang là địa điểm hút hàng nhất và đã có những đề nghị bạc tỷ để có cho được cầu thủ trong đội hình chính ở đội này. Tiếp đến sẽ là M.Hải Phòng, đội vừa trở thành cựu chuyên nghiệp sau mùa bóng 2006. Số tiền đề nghị chuyển nhượng cùng những chế độ đi kèm nhằm bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ cũng được nhiều CLB đẩy lên khá cao để đạt mục đích. Nhưng xem ra diễn biến từ hậu trường của các vụ chuyển nhượng đến nay vẫn có… trật tự hơn trước kia bởi chưa xuất hiện những vấn đề vượt luật hay “xé rào”. |