Ý kiến: Cân nhắc trao thêm quyền cho UBCKNN

Hôm qua 10-11, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cần thiết phải sửa một số điều của Luật Chứng khoán hiện hành (mặc dù mới thực hiện được 4 năm) để tăng cường quản lý cũng như tăng tính minh bạch, công khai cho thị trường chứng khoán.

Góp ý cụ thể vào dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần lưu ý đến địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và giao thêm quyền cho cơ quan này để có thể xử lý nghiêm khắc những hành vi gian lận đang gây mất lòng tin vào thị trường chứng khoán.

Theo các đại biểu, khả năng quản lý và xử lý những vấn đề nổi lên trên thị trường chứng khoán của UBCKNN chưa thực hiện được nhiều vì công cụ, điều kiện chưa được đầy đủ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam hiện mang nặng yếu tố đầu cơ, làm giá, không theo một lý thuyết nào. Vì thế, dự luật cần trao thẩm quyền tìm chứng cứ cho UBCKNN. Thí dụ, cơ quan này có thể có quyền xác minh tài khoản ngân hàng để tìm chứng cứ chứng minh hành vi thông đồng làm giá. Giao thêm quyền, nhưng dự luật cũng đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nếu tình trạng làm giá, đầu cơ lũng đoạn trên thị trường tiếp tục xảy ra.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bày tỏ mong muốn UBCKNN có vị thế độc lập hơn. Bộ Tài chính hiện nay có nhiệm vụ phát hành trái phiếu chính phủ, mà trái phiếu là một loại chứng khoán. Như vậy có nghĩa Bộ Tài chính cũng tham gia vào sân chơi chứng khoán. Sân chơi đó do UBCKNN quản lý mà Bộ Tài chính lại là cấp trên của ủy ban này nên sẽ rất vướng mắc. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (lúc còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính) khi trình Luật Chứng khoán ở Quốc hội khóa XI vào năm 2006: "Trước mắt chúng ta hãy tổ chức UBCKNN trong phạm vi của Bộ Tài chính, sau năm 2010, khoảng năm 2012 sẽ tổ chức UBCKNN độc lập chăng?".

Theo ông Thuyết, Luật Chứng khoán đã thực thi được 4 năm, nên đã có thể đánh giá được UBCKNN độc lập tốt hơn, hay trực thuộc Bộ Tài chính tốt hơn. Quan điểm riêng của đại biểu này nếu UBCKNN được độc lập sẽ thuận lợi cho công tác quản lý.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, cho biết hiện nay trong luật đã trao cho UBCKNN khá nhiều quyền và tương đối độc lập trong quản lý thị trường chứng khoán. Tuy nhiên cần phải trao thêm cho UBCKNN một số quyền để thẩm định các nghiệp vụ. Chẳng hạn khi phát hiện ra dấu hiệu lũng đoạn chứng khoán hoặc gian lận hay nội gián, UBCKNN phải xử lý thế nào vì hiện nay chưa được ghi trong luật.

Khi xây dựng dự luật, Bộ Tài chính đã đề xuất vấn đề này, nhưng qua thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau sau đó đã gác lại. Cũng theo ông Vũ Văn Ninh, quan điểm của Bộ Tài chính là nên trao cho UBCKNN quyền khi phát hiện những nghi vấn thông qua thanh tra, kiểm tra được đề nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan cung cấp thông tin về mối quan hệ thân nhân của đối tượng thanh tra với người có liên quan; yêu cầu cung cấp, sao kê các cuộc gọi điện thoại, thư điện tử của đối tượng thanh tra; sao kê tài khoản chứng từ và dữ liệu giao dịch liên quan đến chứng khoán tại ngân hàng của đối tượng thanh tra và các thông tin, tài liệu liên quan khác.

Thực tế việc phát hiện gian lận trên thị trường chứng khoán vô cùng khó khăn. Mặc dù UBCKNN đã phối hợp với cơ quan công an để điều tra, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được kịp thời.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc trao cho UBCKNN quyền được xác định, chứng minh chứng cứ gian dối, thao túng thị trường chứng khoán, mặc dù mang tính đặc thù, nhưng lại liên quan đến một lĩnh vực nhạy cảm, đó là quyền bảo mật về thư tín và quyền bảo mật về tiền gửi của dân cư cũng như các tổ chức khác. Vì vậy, phải cân nhắc để xác định mức độ giao thẩm quyền cho UBCKNN một cách hợp lý nhất.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Tin cùng chuyên mục