Ý kiến: Sớm thực hiện lãi suất thỏa thuận ngắn hạn

Như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 26-2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 07, cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận (LSTT) đối với hoạt động cho vay trung và dài hạn.

Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung, một phần cơ chế này được sự đồng thuận khá cao của thị trường, vì những bất hợp lý bấy lâu nay trên thị trường tiền tệ đã làm cho người đi vay khó tiếp cận được vốn vay, các NHTM thì ở trong trạng thái thiếu vốn để cho vay, và nếu có cho vay thì mức lời quá thấp nếu không muốn nói là bị lỗ. Hơn thế nữa, cơ cấu cho vay trung và dài hạn chỉ chiếm khoảng 25% - 30% trong tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng. Cho nên thị trường đang đòi hỏi NHNN sớm giải quyết triệt để hơn phần còn lại của cơ chế LSTT, là cho phép LSTT được áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn.

Việc phân định ranh giới giữa cho vay ngắn hạn với cho vay trung và dài hạn hiện nay dựa vào thời gian vay. Các khoản vay trên 12 tháng được xếp vào loại vay trung và dài hạn, vay dưới 12 tháng thì tính vào loại vay ngắn hạn. Như vậy, nếu vay 13 tháng được áp dụng LSTT thì tại sao vay 12 tháng lại không được thỏa thuận lãi suất? Việc định kỳ hạn nợ đối với các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, thực tế phụ thuộc vào dòng tiền mà các doanh nghiệp, cá nhân đó thực hiện thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nếu không cho khoản vay ngắn hạn được áp dụng cơ chế LSTT, thì tất yếu sẽ làm méo mó cơ cấu tín dụng trong nền kinh tế.

Xu hướng cho vay trung dài hạn sẽ tăng cao nếu lãi suất có dấu hiệu tăng lên. Ngược lại nếu lãi suất có dấu hiệu đi xuống, các NHTM sẽ chuyển qua cho vay ngắn hạn, dù nhu cầu vay trung và dài hạn của khách hàng là rất cần thiết. Khi đã cho áp dụng LSTT đối với các khoản vay ngắn hạn, thị trường tiền tệ sẽ có dòng chu chuyển vốn thông thoáng hơn. Và tất yếu các rào cản về lãi suất huy động cũng cần phải được gỡ bỏ.

Hiện nay, đang có nhiều ý kiến tranh luận về trần lãi suất cho vay dựa vào một điều luật trong Bộ luật Dân sự. Nếu cho rằng, cho vay theo LSTT là phá trần lãi suất và tức là vi phạm điều luật đó, thì việc cho vay phục vụ đời sống hơn 1 năm qua theo cơ chế thỏa thuận vì sao vẫn được tồn tại? Cơ chế 2 giá tái xuất hiện trong 2 năm gần đây trên thị trường tiền tệ, đi ngược lại xu hướng của quá trình đổi mới của đất nước ta, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế. Câu chuyện LSTT thực hiện toàn diện, đầy đủ, kịp thời, suy cho cùng là câu chuyện trở về cơ chế một giá. Đó là điều tất yếu và không nên chần chừ.

Lãi suất tín dụng bao gồm cả lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra. Vậy một khi cho vay trung và dài hạn được áp dụng cơ chế LSTT, nhưng huy động vẫn còn khống chế 10,5% vô hình trung làm vô hiệu hóa tác dụng của LSTT. Bởi vì các ngân hàng không huy động được vốn thì không có tiền để cho vay. Cởi đầu ra mà trói đầu vào không khác gì làm khó NHTM, dẫn đến các ngân hàng phải tìm cách luồn lách điều đó có thể làm huy động với lãi suất 10,5% ghi trong sổ sách, nhưng bên ngoài đưa cho người gửi thêm một khoản tiền và như vậy, lãi suất thực có thể lên tới 14% - 15% hoặc cao hơn. Dĩ nhiên là phần chênh lệch này không thể kiểm soát, làm cho thanh khoản của ngân hàng khó khăn và bóp méo thị trường, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, nhiều bất ổn có thể xảy ra và đe dọa mức lạm phát dưới 2 con số trong năm 2010.

Đã đến lúc phải sớm bỏ trần lãi suất để tránh sự khập khiễng trong tín dụng. Trong khi chờ sửa luật, NHNN mạnh dạn công bố mức lãi suất cơ bản (LSCB) cao hơn, không nên giữ nguyên 8% như hiện nay nếu muốn tiệm cận lãi suất thị trường và phù hợp với thực tế. Các NHTM đang vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Bản thân từng ngân hàng áp dụng mức lãi suất nào là tùy thuộc vào “sức khỏe” của họ. Ngân hàng không cần huy động thêm nhiều vốn thì chỉ áp dụng lãi suất 10,5% là đủ, nhưng ngân hàng có đầu ra và cần huy động nhiều vốn thì áp dụng lãi suất 14% - 15% hay cao hơn.

Anh Khuê

Thông tin liên quan

- Áp dụng lãi suất thỏa thuận - Lối ra chưa thông

- Ngân hàng được cho vay lãi suất thỏa thuận

Tin cùng chuyên mục