Ý nghĩa từ Tết

“Là một cựu binh quân đội Mỹ từng phục vụ ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh với tư cách bác sĩ, tết là từ gợi lên trong tôi nhiều ký ức không mong muốn. Giống như nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc, thời gian được gọi là Tết Nguyên đán trong năm rất khắc khoải”. Đó là những lời tâm sự mà ông Doc Bernie Duff (ảnh), người đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện góp phần xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam, gửi tới Báo Sài Gòn Giải Phóng những ngày đầu năm mới.
Ý nghĩa từ Tết

“Là một cựu binh quân đội Mỹ từng phục vụ ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh với tư cách bác sĩ, tết là từ gợi lên trong tôi nhiều ký ức không mong muốn. Giống như nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc, thời gian được gọi là Tết Nguyên đán trong năm rất khắc khoải”. Đó là những lời tâm sự mà ông Doc Bernie Duff (ảnh), người đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện góp phần xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam, gửi tới Báo Sài Gòn Giải Phóng những ngày đầu năm mới.

Ông Doc Bernie Duff

Ông Doc Bernie Duff

Kể từ khi trở về Việt Nam năm 2005, cảm xúc cá nhân của tôi cho những ngày này đã thay đổi đáng kể. Tết đầu tiên của tôi (kể từ năm 1969) là năm 2007 tại TPHCM, hòa mình vào đám đông du khách từ khắp nơi trên thế giới. Phải thừa nhận là tôi đã khá căng thẳng thần kinh trong những ngày đó, khi tâm trí tôi vẫn muốn quay lại những trải nghiệm trước đây trong thời gian chiến tranh. Dù vậy, tôi vẫn thấy vui vui với niềm hạnh phúc đang diễn ra xung quanh. Sự thật, tôi đã không mất quá nhiều thời gian để vượt qua những cảm giác băng giá vì tình yêu và thiện chí đã đủ sức làm băng tan chảy. Đối với tôi, sự tan băng bắt đầu khi nhìn các gia đình từ khắp nơi trên thế giới trở về Việt Nam, mỉm cười và ôm hôn nhau như trong mọi kỳ nghỉ lễ.

Vào thời điểm năm mới đến, tôi thấy ấm áp hơn khi tham gia lễ kỷ niệm lớn tại trung tâm TPHCM. Các sắc màu lung linh, trẻ con ngồi trên vai cha để nhìn ngắm rõ hơn mọi thứ diễn ra. Cũng như tôi, dòng người ở khắp mọi nơi di chuyển về các đường phố trung tâm, giao thông tạm ngừng một ngày trong năm. Đó là sự kiện thú vị được bao quanh bởi rất nhiều con người hạnh phúc!

Du khách nước ngoài đón giao thừa tại Nha Trang. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Du khách nước ngoài đón giao thừa tại Nha Trang. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Sau khi tận hưởng cảm giác tết ở TPHCM, tôi được trải qua hai cái tết ở Nha Trang. Tại đây, điều đáng nhớ nhất về tết là tôi đã có cơ hội ăn tết với một người bạn và gia đình tuyệt vời của anh ấy. Vợ chồng tôi được mời ăn tối cùng đại gia đình họ, mang lại cho tôi trải nghiệm về ngày lễ được tổ chức theo một cách thân mật hơn nhiều. Tôi cảm thấy sự ấm áp bao trùm của một đại gia đình Việt Nam điển hình. Không chỉ được mời tham dự như một quan sát viên, tôi còn được mời tham gia vào buổi lễ cúng tổ tiên. Ở Mỹ, gia đình tôi cũng rất đông nên đối với tôi, điều này khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Mỗi thành viên trong gia đình đối xử với tôi như người thân trong gia đình chứ không phải là người ngoài.

Đây cũng là thời gian tôi thử nhiều loại đồ ăn mà tôi chưa từng ăn để thỏa mãn cái dạ dày hạnh phúc của tôi! Vợ chồng tôi được tiếp đãi chu đáo khi ăn tết ở Nha Trang với những người bạn tuyệt vời cho đến những ngày cuối cùng của tết. Tôi còn được nhận tiền “lì xì”, ghé thăm người nọ người kia, đi lễ mộ, cúng tổ tiên và nhiều thứ thú vị. Qua tất cả, tôi đã bắt đầu cảm thấy có sự thay đổi trong nhận thức về văn hóa và sự nồng hậu của người dân Việt Nam.

Trong năm 2010, vợ chồng tôi chuyển về quê vợ ở Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Ở Đồng Hới, tôi cảm nhận tết sâu sắc hơn qua con mắt của gia đình và láng giềng gần gũi. Hai ngày chúng tôi ăn tết tại Đồng Hới là những ngày miệt mài tiếp khách. Tất cả đều mỉm cười và hạnh phúc. Chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm họ hàng và hàng xóm trong suốt dịp Tết Nguyên đán. Thú thực là có nhiều người tôi không nhớ ra vì lâu không gặp nhưng họ vẫn chào đón nồng nhiệt và coi tôi như khách quý.

Một kỷ niệm quý giá trong dịp tết năm 2011 là lễ mừng thọ 70 tuổi của bố vợ tôi và sinh nhật 40 tuổi của vợ tôi. Sau tháng 12, ông qua đời, nhưng tôi mãi nhớ cái nhìn yêu thương trong mắt ông, khi ông nhìn xung quanh bạn bè và gia đình trong bữa cơm tất niên. Nước mắt ông lăn dài trên má lúc ông nhìn quanh căn phòng và với tôi (và tôi chắc chắn cũng như với nhiều người khác trong phòng), đó thực sự là một cái tết rất đáng nhớ.

Cảm giác được yêu thương, sự ấm áp trong vòng tay gia đình và bạn bè, đối với tôi, là ý nghĩa mà tôi nhận được từ tết. Không còn những hoài niệm của chiến tranh và hận thù, giết chóc và cái chết. Tôi rất may mắn là một phần của gia đình tại Việt Nam và tham dự trong một nghi lễ như tết!

Chúc mừng năm mới! 

LÊ VÂN (dịch)
 

DOC BERNIE DUFF

Tin cùng chuyên mục