Yêu cầu các ngân hàng rà soát quy trình, đảm bảo an toàn tiền gửi

NHUNG NGUYỄN

(SGGP).- Sau hàng loạt các vụ việc người dân và doanh nghiệp bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng thời gian gần đây, ngày 28-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM yêu cầu rà soát lại tất cả quy trình quản lý cũng như bảo vệ tiền gửi của khách hàng (cả tiền gửi thanh toán và sổ tiết kiệm); tăng cường công tác bảo mật hệ thống; khẩn trương phối hợp với cơ quan công an làm rõ các trường hợp phát sinh rủi ro đã xảy ra trên nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho khách hàng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan công an trong phòng chống tội phạm. Mọi kiến nghị, vướng mắc có thể phản ánh về NHNN chi nhánh TPHCM tại số 8 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM để phối hợp, xử lý kịp thời.

NHNN chi nhánh TPHCM cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố nâng cao ý thức của cán bộ ngân hàng trong việc phòng chống tội phạm, đặc biệt trong các hoạt động nghiệp vụ thanh toán liên quan đến Internet banking, Mobile banking, ATM, POS, mở và sử dụng tài khoản; tác nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của NHNN cũng như các quy trình, nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng về các hoạt động thanh toán. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho khách hàng cách phòng chống rủi ro khu sử dụng thẻ, các loại giao dịch qua Internet banking, Mobile banking.

Liên quan đến vụ 26 tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng VPBank biến mất, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết đã yêu cầu lãnh đạo phụ trách khu vực phía Nam của VPBank báo cáo vụ việc, hướng xử lý.

° Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có công văn yêu cầu các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra sau cấp tín dụng và thực hiện các biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thẩm định, đánh giá hiệu quả, cấp tín dụng và thu hồi nợ đối với khách hàng và người có liên quan theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các trường hợp cấp tín dụng trên 15% và 25% vốn tự có. Các TCTD thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khách hàng và người có liên quan có dư nợ lớn, hạn chế nợ xấu phát sinh.

NHUNG NGUYỄN - BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục