Yêu những trang sách

Đường sách TPHCM hay Đường sách Nguyễn Văn Bình, được xem là một nét đẹp văn hóa độc đáo, một biểu tượng trong việc phát triển văn hóa đọc ở TPHCM, khi mà từ ý tưởng đến sự hình thành chỉ diễn ra vỏn vẹn trong đúng một năm.
Yêu những trang sách

Đường sách TPHCM hay Đường sách Nguyễn Văn Bình, được xem là một nét đẹp văn hóa độc đáo, một biểu tượng trong việc phát triển văn hóa đọc ở TPHCM, khi mà từ ý tưởng đến sự hình thành chỉ diễn ra vỏn vẹn trong đúng một năm.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan đường sách TPHCM

Từ hoài niệm…

Đầu năm 2015, câu chuyện một cửa hiệu sách cũ với 30 năm tuổi đời phải đóng cửa gây xôn xao dư luận, nhất là với những người yêu sách. Từ câu chuyện này, người ta giật mình nhìn lại mới hay không biết từ bao giờ, những đường sách, phố sách một thời là nét đẹp văn hóa đã dần biến mất. Đường sách Đặng Thị Nhu đã vắng bóng hàng sách từ những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước; các phố sách Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn, Nguyễn Thị Minh Khai…, nơi thì hàng sách đóng cửa, chuyển qua kinh doanh lĩnh vực khác, nơi thì thay cho những hàng sách nhỏ bé, chật chội là các siêu thị, nhà sách quy mô lớn, hiện đại, khang trang.

Dù không còn tồn tại nhưng với mọi người, các phố sách ngày trước vẫn sống trong kỷ niệm của họ. Nhà văn Lê Văn Nghĩa nhắc lại kỷ niệm những ngày lê la đường sách để đọc “cọp” những cuốn sách hay. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhắc về một thời tuổi trẻ mân mê cuốn sách mình thích tại một cửa hiệu sách trên phố sách, năn nỉ ông chủ giảm giá. Ông Lê Nguyên Đại, một “đại gia” sách thành phố lại không thể quên những buổi ngồi “hóng” sách mới đầy háo hức trên đường sách. Họ, những người yêu sách gắn tuổi thơ với những đường sách, phố sách và rồi khi trưởng thành lại vẫn đồng hành với sách, có người thành nhà văn được bạn đọc nhớ đến, có người theo nghiệp sách trở thành giám đốc nhà xuất bản hay ông chủ công ty sách. Và còn rất nhiều bạn đọc khác mang trong ký ức những kỷ niệm đẹp về đường sách, phố sách, nơi mang lại cho họ tình yêu với sách. Không có gì khó hiểu khi những con người này dù với cương vị khác nhau, cuộc sống khác nhau nhưng đều có chung mong muốn có lại đường sách, nơi mà họ hy vọng sẽ tiếp tục mang đến tình yêu sách cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đến hiện thực

Hoài niệm là tốt đẹp nhưng thực tế lại không đơn giản, mô hình đường sách kiểu cũ, mang tính tự phát dạng “buôn có bạn, bán có phường” như trước đây rõ ràng không còn phù hợp. Hàng loạt đường sách, phố sách tan rã là minh chứng rõ ràng nhất của việc hình thức bán sách kiểu cũ đã không thể cạnh tranh được với các nhà sách ngày càng hiện đại, quy mô. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận việc một không gian sách mở vẫn thu hút bạn đọc khi những hội sách, chợ phiên sách vẫn được bạn đọc đón nhận.

Niềm vui của bạn đọc tại đường sách TPHCM

Ở đây, phải kể đến sự nỗ lực của ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Xuất thân là người làm sách rồi đi làm báo…, sau lại quay về với sách, ông yêu sách, lại có cái nhìn của một nhà quản lý và quan trọng nhất là nhìn ra được điểm khó khăn nhất của việc mở một đường sách hoạt động thường niên, đó là tính tổ chức. Rõ ràng, việc trông chờ vào tính tự phát của những người làm sách để mở một phố sách là không hiện thực. Mở một đường sách ở thành phố không chỉ cần niềm tin hay hoài niệm mà còn cần sự chung tay của cả xã hội, của chính quyền… Ý tưởng của ông nhanh chóng được Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đón nhận, ủng hộ nhiệt tình.

Cùng chung một ước mơ, bộ ba Hội Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông và những người mê sách đã hợp lại với nhau để làm mọi việc cho một đường sách thành hình. Một con đường được chọn, mô hình hoạt động, tính pháp lý và cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất đều được nêu ra. Cuối tháng 4-2015, nhân Ngày sách Việt Nam, Đường sách Nguyễn Văn Bình đi vào “chạy thử” để lấy ý kiến bạn đọc, đã diễn ra một cuộc tọa đàm đặc biệt. Không có tham luận, không có diễn văn, chỉ có một tình yêu với sách, mỗi người nồng nhiệt nêu ý kiến của riêng mình về đường sách, về những gì phải làm, những vấn đề phải giải quyết… Một cuộc tọa đàm không xong thì hai, rồi ba cuộc, những ý kiến dần thống nhất và được gửi lên cấp trên.

Có lẽ hiếm có một dự án quy mô, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa như Đường sách Nguyễn Văn Bình lại diễn ra một cách nhanh chóng như vậy. Nói như TS Quách Thu Nguyệt, đó là minh họa cụ thể nhất cho… sự “đồng thuận”. Chính quyền đồng thuận, người dân đồng thuận, học giả tán đồng… nhiều vấn đề, trong đó có những chuyện không hề nhỏ như xóa bỏ giao thông một con đường, an ninh trật tự, đầu tư tài chính, cơ chế hoạt động… cứ thế được giải quyết với tốc độ nhanh nhất có thể.

Và cuối cùng, tháng 10-2015 con đường sách đầu tiên của thành phố và xét về mặt chính thức thì đó cũng là đường sách đầu tiên của cả nước được khởi công giai đoạn 1. Hơn hai tháng sau, vào ngày 10-1-2016, Đường sách TPHCM hay còn gọi là Đường sách Nguyễn Văn Bình đã khánh thành. Một giấc mơ đẹp của người dân thành phố, của những người yêu, mê sách đã thành hiện thực…

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục