Công bố nguyên nhân tai biến sau tiêm vaccine: Hy vọng sẽ củng cố niềm tin

Nhiều người cho trẻ đi tiêm vaccine nhưng...
Công bố nguyên nhân tai biến sau tiêm vaccine: Hy vọng sẽ củng cố niềm tin

Lần đầu tiên, nguyên nhân các vụ tai biến sau tiêm vaccine từ năm 2007 cho tới nay được công bố, với kết luận không do vaccine gây ra. Ngay sau đó, chúng tôi đã tới một số điểm tiêm chủng vaccine để ghi nhận những ý kiến phản hồi của người dân trước thông tin quan trọng trên.

Nhiều người cho trẻ đi tiêm vaccine nhưng...

Công bố nguyên nhân tai biến sau tiêm vaccine: Hy vọng sẽ củng cố niềm tin ảnh 1

Cho trẻ đi tiêm vaccine để phòng tránh bệnh truyền nhiễm.

Đã cuối buổi sáng, phòng tiêm chủng vaccine của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nằm ngay mặt đường Nguyễn Chí Thanh vẫn đông nghịt, thậm chí nhiều người còn phải kê ghế ra vỉa hè bên ngoài để chờ tiêm. Khá đông người cho trẻ nhỏ đi tiêm vaccine và cũng không ít người lớn cũng đi tiêm vaccine.

Một y tá luôn tay xếp phiếu tiêm chủng đã không giấu nổi sự ngạc nhiên nói với tôi, bây giờ người dân cập nhật thông tin nhanh thật. Hôm qua, Bộ Y tế vừa công bố nguyên nhân mấy cháu tử vong sau tiêm vaccine không phải do vaccine gây ra thì hôm nay người dân đã kéo tới tiêm rất đông. Cũng theo y tá này, chỉ có vài tiếng buổi sáng mà đã có hơn 100 gia đình đưa con nhỏ tới tiêm, chủ yếu là vaccine phòng cúm, thủy đậu và sởi, trong khi đó những ngày trước, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 60 cháu một ngày.

Về phía người dân, chị Phạm Thị Phương, ở 77 Hàng Gai đang xếp hàng chờ để cho con là Nguyễn Phương Linh (3 tuổi) tiêm vaccine nói: Suốt từ năm ngoái tới nay, thấy liên tục có thông tin về trẻ bị tai biến sau tiêm chủng, tôi đã không cho cháu đi tiêm nhiều loại vaccine mặc dù cán bộ y tế phường không ít lần tới tận nhà vận động. Bây giờ thì mọi thứ đã rõ, hôm nay, tôi xin nghỉ phép để cho cháu đi tiêm phòng cúm còn thủy đậu, còn sởi thì chờ ít ngày nữa cho yên tâm.

Tâm trạng e dè của chị Phương cũng là chung của không ít gia đình có con nhỏ, dù nguyên nhân gây tai biến không do vaccine đã được làm rõ. Anh Nguyễn Huy Linh cho con đi tiêm phòng thủy đậu nói, các vụ tai biến không do vaccine gây ra nhưng gia đình cũng không dám cho cháu tiêm một số loại vaccine mà cháu chưa tiêm. Trước mắt, miền Bắc đang vào mùa thủy đậu thì cho cháu tiêm phòng tránh trước đã.

Cần công bố sớm hơn

Một phần nguyên nhân khiến người dân trở nên hoang mang, không dám đưa con em đi tiêm chủng là do quá trình điều tra các ca tai biến này quá dài và tản mát. Do vậy, để người dân không quay lưng lại với tiêm chủng, khi xảy ra tai biến không mong muốn, việc đầu tiên ngành y tế cần làm là nhanh chóng điều tra nguyên nhân. Khi công chúng có một câu trả lời rõ ràng, nhanh chóng, họ sẽ không mất lòng tin, hoang mang.

(Ông Jean-Marc Olive,
Trưởng đại điện Tổ chức Y tế
Thế giới tại Việt Nam)

Mặc dù khá nhiều người dân đã cho trẻ đi tiêm chủng nhưng cũng không ít người bày tỏ thái độ bức xúc. Bác Nguyễn Minh Tú, ở số 7, Văn Miếu cho cháu nội 2 tuổi đi tiêm tại Trung tâm dịch vụ tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nói: “Không biết mấy vị ở Bộ Y tế có hiểu được sự lo lắng của những người có con, cháu nhỏ không.

Vẫn biết rằng cần có thời gian để điều tra nhưng bây giờ mới công bố là quá chậm vì nhiều ca tai biến xảy ra từ cuối năm ngoái. Việc này đã khiến cho các gia đình có con, cháu nhỏ hoang mang, không dám đưa trẻ đi tiêm chủng vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe và còn lo vì sợ lây nhiễm bệnh.

Gay gắt hơn, chị Lê Thanh Thúy ở 37 Cát Linh đặt câu hỏi: Vì sao lãnh đạo Bộ Y tế không tổ chức buổi họp báo, lên trước truyền hình, báo chí để rõ ràng công bố nguyên nhân của các vụ tai biến vaccine như việc công bố hết dịch SARS hay tiêu chảy cấp để người dân yên tâm mà lại thông qua việc tổ chức một hội thảo về an toàn tiêm chủng do một cơ quan trực thuộc tổ chức để nói về nguyên nhân các vụ tai biến? “Cách làm này theo tôi chưa chắc giúp cho người dân yên tâm hơn mỗi khi đưa con trẻ đi tiêm chủng vaccine” - chị Thúy nói thêm.

Trẻ em vẫn chịu thiệt thòi nhất

Nguyên nhân tai biến vaccine đã được làm rõ nhưng cũng cần phải nói rằng, dù kết luận có đến đâu đi nữa thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em. 2 năm qua, do lo ngại về tai biến sau tiêm vaccine mà tỷ lệ tiêm chủng đã giảm rõ rệt. Theo ông Đỗ Sỹ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu như năm 2006 tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em cả nước đạt 95,7% thì năm 2007 con số này đã giảm xuống còn 81,2%, tương đương với trên 200.000 trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ. Thực tế này đồng nghĩa với việc ngành Y tế dự phòng đang phải đối mặt với tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh và nguy cơ bệnh tật gia tăng trở lại nhất là với trẻ em.

Trước nguy cơ trên, ông Hiển khuyến cáo, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cộng đồng. Hiện nay, tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ và phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, xem ra những khuyến cáo chung chung kiểu này, người dân đã quá nhàm chán mỗi khi có tai biến vaccine xảy ra. Người dân đang cần một thông điệp chính thức từ phía lãnh đạo ngành y tế xung quanh việc tiêm chủng vaccine!

Khánh Quốc

Tin cùng chuyên mục