Xung quanh vấn đề mua bán thận, GS-BS Trần Đông A: Cung không đủ cầu dẫn đến tiêu cực

Khoảng 6.000 người bệnh có nhu cầu ghép thận
Xung quanh vấn đề mua bán thận, GS-BS Trần Đông A: Cung không đủ cầu dẫn đến tiêu cực
  • Vụ mua bán thận liên quan tới anh Tô Công Luân đã vi phạm luật

Là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về ghép tạng, đồng thời cũng là thành viên trong Ban soạn thảo Luật Hiến mô và ghép tạng, GS-BS Trần Đông A đã có ý kiến quanh vụ việc mua bán thận khá ồn ào tại TPHCM hiện nay.

- PV: Thưa GS, dù luật đã nghiêm cấm nhưng các vụ mua bán thận nói riêng và các cơ quan nội tạng người nói chung vẫn đang diễn ra?

Xung quanh vấn đề mua bán thận, GS-BS Trần Đông A: Cung không đủ cầu dẫn đến tiêu cực ảnh 1

Một ca ghép tạng ở BV Nhi Trung ương.

GS TRẦN ĐÔNG A: Đây là vấn đề toàn cầu vì khoa học ghép tạng là một trong mười thành quả khoa học vĩ đại nhất của loài người trong thế kỷ 20.

Từ khi ra đời cho tới nay với sự tiến bộ của các kỹ thuật ghép, ghép tạng đã trở thành cái phao cứu sống hàng triệu người trước các bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng nhu cầu ghép tạng ngày càng cao, vì việc suy thận giai đoạn cuối chỉ có ghép mới cứu sống được và là phương pháp rẻ tiền nhất so với chạy thận nhân tạo.

Chỉ tính riêng tại Việt Nam mỗi năm có thêm hàng ngàn người bị suy thận giai đoạn cuối cần phải ghép. Như vậy, cung không đủ cầu, tất nhiên là sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Ngay tại Mỹ là nước thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên, mỗi năm thực hiện khoảng 20.000 ca ghép thận, với nhu cầu lớn như vậy nhưng nguồn cung cấp lại rất ít đã đưa tới vấn đề mua bán thận.

Ở đây tôi cũng muốn nói tới một số vụ án về mua bán, môi giới ghép thận. Gần với chúng ta là Trung Quốc năm 1984 có luật cho phép ghép tạng cho người nước ngoài ngay tại các bệnh viện (BV) lớn, với một chi phí nhất định. Nhưng gần đây, nhiều bệnh nhân của những nước giàu tới Trung Quốc ghép tạng đã bị mắc một số bệnh truyền nhiễm rất nặng nên từ năm 2007, Bộ Y tế Trung Quốc đã chính thức không cho thực hiện việc mua bán tạng để ghép cho người nước ngoài. Nhưng việc cấm này chủ yếu được chấp hành nghiêm tại các BV lớn, còn nhiều BV nhỏ ở Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện.

- Theo ông, hệ thống luật của chúng ta hiện nay đã đủ để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi mua bán nội tạng trái phép? Và làm sao để kiểm soát những vụ mua bán nội tạng trái phép trá hình dưới hình thức xin – cho, hiến tạng?

Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Hiến mô và ghép tạng. Trong đó tại Điều 11 có quy định rõ, cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, cấm quảng cáo, môi giới việc cho nhận, hiến bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Như vậy, luật pháp của Việt Nam đã có và quy định rất rõ những điều nghiêm cấm không được làm liên quan tới việc ghép tạng.

Thế nhưng, trong luật này, tại Điều 34, khoản 2 lại cho phép người Việt Nam chỉ được ra nước ngoài để hiến bộ phận cơ thể người trong trường hợp có cùng dòng máu về trực hệ, hoặc có họ trong phạm vi 3 đời với người được hiến.

Như vậy, vụ mua bán thận liên quan tới anh Tô Công Luân là đã vi phạm các quy định của Luật Hiến mô và ghép tạng. Song vấn đề ở đây là trừng trị như thế nào là do khả năng của cơ quan bảo vệ pháp luật. Còn để có thể kiểm soát được hành vi mua bán nội tạng trái phép dưới hình thức xin cho, hiến tặng thì đòi hỏi cơ quan công an phải phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế để giám sát các trường hợp nghi ngờ.

- Việc lấy – ghép thận ở những nơi không đủ điều kiện (kể cả ở nước ngoài) sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gì cho cả người cho và người nhận?

Khoa học ghép tạng là một khoa học mới, đòi hỏi các yêu cầu nghiêm ngặt về xét nghiệm, đặc biệt người cho phải không có bệnh tật gì và phải chụp mạch và tĩnh mạch thận chi tiết để tránh nguy cơ xấu về sức khỏe.

Đối với người nhận phải có đầy đủ phương tiện để xử lý những biến chứng sau ghép. Dù kỹ thuật thực hiện ghép thận không có gì khó khăn nhưng nếu thiếu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật y tế và những xét nghiệm cần thiết đã được cả thế giới công nhận thì nguy cơ tàn tật, thậm chí là tử vong đối với cả người cho và nhận là rất cao. Do đó, trong quy định luật của Việt Nam cũng như thế giới, không phải ai cũng có thể thực hiện được ghép tạng mà muốn thực hiện được ghép tạng phải có được những quy chuẩn nhất định về khoa học và con người.

- Trong vụ việc mua bán thận khá ồn ào vừa qua, được biết đường dây mua bán thận nghi ngờ có liên quan đến một số cán bộ ngành y tế với vai trò môi giới, theo ông nên xử lý những trường hợp này như thế nào?

Như tôi đã nói, tại điều 11 và 34 của Luật Hiến mô và ghép tạng có hiệu lực từ năm 2007 đã quy định rõ ràng các hành vi nghiêm cấm. Với những người, kể cả cán bộ y tế nếu đã vi phạm vào quy định của pháp luật đều phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, mức độ xử lý như thế nào phụ thuộc vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và hành vi vi phạm.

- Xin cảm ơn ông!

Kim Liên – Quốc Khánh

Khoảng 6.000 người bệnh có nhu cầu ghép thận

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 5.000 - 6.000 người bị suy thận mạn tính có nhu cầu cần được ghép thận. Chỉ tính riêng tại Hà Nội cũng có khoảng 1.600 người được chỉ định ghép tạng nhưng do không có nguồn cho nên số bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.

Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, hiện nay nguồn thận, gan và mô để ghép rất thiếu, chủ yếu được lấy từ những người có cùng huyết thống với người bệnh qua việc hiến, tặng, cho nhận. Do đó, tới nay, cả nước mới thực hiện được khoảng 200 ca ghép thận, 10 ca ghép gan và tủy.

Trong khi đó, theo một điều tra của Viện Chiến lược chính sách y tế, phần lớn người dân tỏ thái độ đồng tình với quy định hiến, tặng mô tạng và giác mạc, nhưng số người chấp nhận để người thân hiến tặng khi đang sống lại rất ít, khoảng 15%. Bên cạnh đó, vẫn còn gần 50% người dân chưa sẵn lòng chấp nhận việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người thân đã chết vì lý do về tâm lý và tín ngưỡng. Tuy nhiên, có tới 40% người dân đồng ý hiến mô, tạng và giác mạc sau khi chết .

Hiện nay, cả nước đã có 11 cơ sở y tế đủ điều kiện ghép tạng được Bộ Y tế cho phép. Đây là những bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam gồm có: Bạch Mai, Việt Đức, Viện Nhi trung ương (Hà Nội), Viện Quân y 103 (Hà Tây), BV Đa khoa Kiên Giang, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Bình Dân (TPHCM) và BV Đa khoa Trung ương Huế.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng mô tồn tại dưới hình thức đơn vị của BV như: Ngân hàng giác mạc của Viện Mắt Trung ương, Ngân hàng Da, Viện Bỏng quốc gia và Ngân hàng máu thuộc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Theo đánh giá của TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện nay khả năng và trình độ ghép tạng của các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế cho phép không thua kém gì các nước trong khu vực. Với khả năng này, Bộ Y tế đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80 - 100 ca ghép gan, 20 - 30 ca ghép tim, 10 - 15 ca ghép phổi và khoảng 2.000 ca ghép giác mạc.

Quốc Lập

Tin cùng chuyên mục