Phòng chống cúm A/H1N1, tại TPHCM: Chuẩn bị thêm 2 bệnh viện để ứng phó

Phòng chống cúm A/H1N1, tại TPHCM: Chuẩn bị thêm 2 bệnh viện để ứng phó

Từ 13, đến 15 rồi lên đến 17 ca dương tính với cúm A/H1N1 vào thời điểm hiện nay, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM cho rằng dịch cúm A/H1N1 ở TPHCM đang diễn tiến khá phức tạp...


- PV: Theo bác sĩ, diễn biến của cúm A/H1N1 tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào? Sở Y tế chuẩn bị thêm những gì để đối phó nếu cúm A/H1N1 có diễn biến xấu?

BS Phan Văn Nghiệm: Theo dự báo của tôi, số lượng ca phát hiện nhiễm cúm sẽ tiếp tục tăng lên. Bởi thời điểm này nhiều người từ nước ngoài về Việt Nam nghỉ hè. Đặc biệt, TPHCM là nơi về của rất nhiều bà con Việt kiều ở Hoa Kỳ. Trước tình hình này chúng tôi đã chuyển phương án từ việc ngăn ngừa, phòng ngừa sang biện pháp chủ động quyết liệt, tức tạo ra một môi trường kiểm soát rộng với những người từ vùng dịch về, nếu có 1 người đi cùng chuyến bay bị nhiễm cúm thì sẽ thực hiện tiếp cận theo dõi tất cả hành khách cùng chuyến bay.

Phòng chống cúm A/H1N1, tại TPHCM: Chuẩn bị thêm 2 bệnh viện để ứng phó ảnh 1

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm (thứ 3 từ phải sang) đang trao đổi với PV về tình hình cúm A/H1N1. Ảnh: D.TÍNH

Cụ thể như 2 chuyến bay AU 689 về Việt Nam ngày 5-6, có 293 hành khách thì có 210 khách đến TPHCM hiện chúng tôi đã tiếp cận được gần 200 người (tỷ lệ 95%) và chuyến bay OZ 731 đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 8-6, phát hiện có một ca nghi nhiễm Sở Y tế đã chuyển danh sách 289 người đến Bộ Y tế và các địa phương để thực hiện giám sát khách trên chuyến bay này tại cộng đồng.

Qua 17 trường hợp được phát hiện thì chỉ có 2 trường hợp do máy đo thân nhiệt phát hiện ra, như vậy là tỷ lệ còn thấp.

Do đó, chúng tôi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác theo dõi kiểm soát khách từ vùng dịch về. Phải “bám vào thắt lưng” để ứng phó tình hình, kiểm tra giám sát từ sân bay, cho tới việc tiếp cận những khách về từ vùng dịch tại nơi cư trú.

Song song đó là các biện pháp triển khai tờ khai y tế màu đỏ bắt buộc trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Triển khai dán bích chương (bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh) tại sân bay, khách sạn, khu vui chơi … tổ chức kiểm tra, khảo sát 6 cụm cách ly tại các quận, huyện. 

Sở có tăng cường thêm các cơ sở điều trị?

Để giảm tải cho 3 bệnh viện là: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh Nhiệt đới, bắt đầu từ ngày 9-6, chúng tôi đã đưa thêm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (với sức chứa 50 giường) vào làm cơ sở đón nhận để kiểm tra và lưu những trường hợp có thân nhiệt cao để làm nơi cách ly xét nghiệm ban đầu.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với  khuôn viên rộng lớn thoáng mát và phòng ốc khang trang, tiện nghi có ti vi, wifi, bàn ghế… sẽ tạo sự thoải mái cho khách và sẽ thực hiện việc “cách ly mềm” (tức không phải cách ly như điều trị). Tính đến chiều qua (9-6) Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã đón 8 người khách đầu tiên vào lưu trú để kiểm tra xét nghiệm ban đầu. 

Cũng trong ngày 9-6, Sở Y tế đã đi kiểm tra khảo sát thêm 2 địa điểm là Bệnh viện quận 12 và Bệnh viện quận Thủ Đức để chuẩn bị đối phó trong trường hợp 4 bệnh viện trên quá tải. Bệnh viện quận 12 với quy mô 40 giường có thể đưa vào hoạt động bất cứ lúc nào, còn Bệnh viện quận Thủ Đức khoảng 20 giường, tiện nghi đầy đủ đang được gấp rút hoàn chỉnh để sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Qua những trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 trên, bác sĩ có nhận định sơ bộ thế nào về cách lây nhiễm của những người trên? Hiện đã có thêm biện pháp nào để bảo vệ cho người từ vùng dịch về? 

Những chuyến bay vừa qua về TPHCM có số ca nhiễm rất cao như chuyến bay UA 869 có 6 người, chuyến bay OZ 731 có 4 người cùng nhiễm.

Rõ ràng qua 17 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm thì có đến 15 ca dương tính là do nhiễm từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với nhau trên máy bay (từ khoảng cách rất gần và việc tiếp xúc nhau thường xuyên trong không gian hẹp).

Theo thống kê, hiện số ca nữ nhiều hơn nam (10 ca là nữ), trẻ em từ 16 tuổi trở xuống là 9 ca… và đáng chú ý là việc lây lan diễn ra trong những người cùng gia đình khi cùng đi chung chuyến bay hoặc qua tiếp xúc với người thân mang bệnh.

Vì vậy mọi người từ nước ngoài khi về Việt Nam nên đeo khẩu trang nhằm tránh bị nhiễm cúm A/H1N1 và cũng để tránh lây lan cho người khác.

Mới đây Sở Y tế cũng đã làm việc với các lãnh sự quán các nước có dịch cúm A/H1N1 để yêu cầu các chuyến bay từ vùng dịch về thì khách phải thực hiện việc đeo khẩu trang ngay từ lúc lên máy bay. 

Người về từ vùng dịch ngoài việc phối hợp, thông báo với cơ sở y tế địa phương tình hình sức khỏe hằng ngày để được tư vấn, hỗ trợ. Cẩn thận hơn, họ có thể tự đo thân nhiệt bằng cách cặp nhiệt độ. Nếu thấy thân nhiệt cao hơn 37 độ C và có những triệu chứng liên quan thì nên thông báo cho cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc điều trị.

TIẾN ĐẠT thực hiện

Tin cùng chuyên mục