Kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm: Đáng báo động

Trang thiết bị thiếu, nhân lực hạn chế, nhiều chất phụ gia độc hại, kim loại nặng, hóa chất phức tạp trong thực phẩm chưa kiểm nghiệm được... Đây là những vấn đề được đề cập tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức ngày 27-8.
Kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm: Đáng báo động

Trang thiết bị thiếu, nhân lực hạn chế, nhiều chất phụ gia độc hại, kim loại nặng, hóa chất phức tạp trong thực phẩm chưa kiểm nghiệm được... Đây là những vấn đề được đề cập tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức ngày 27-8.

Việc sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm là vấn đề cần được kiểm nghiệm. Trong ảnh: Một HTX cung cấp suất ăn công nghiệp thực hiện khá tốt về VSATTP. Ảnh: Thành Tâm

Việc sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm là vấn đề cần được kiểm nghiệm. Trong ảnh: Một HTX cung cấp suất ăn công nghiệp thực hiện khá tốt về VSATTP. Ảnh: Thành Tâm

        Chỉ kiểm nghiệm chỉ tiêu đơn giản

TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế cho biết, qua khảo sát năng lực kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP của Trung tâm y tế dự phòng tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, phần lớn các địa phương mới chỉ tiến hành kiểm nghiệm được một số chỉ tiêu hóa lý đơn giản trong thực phẩm.

Hiện có tới 60 trung tâm kiểm nghiệm ở các tỉnh thành phố không kiểm tra được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm pyrethoid và 55 đơn vị không xác định được độc tố vi nấm.

Đối với phụ gia thực phẩm, các trung tâm kiểm nghiệm mới chỉ tập trung vào 2 nhóm chính là phẩm màu và chất ngọt tổng hợp, chưa xác định được đối với các nhóm phụ gia còn lại như chất bảo quản, chất chống oxy hóa. Ngoài ra, tỷ lệ đơn vị thực hiện được các chỉ tiêu về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm chỉ khoảng 30%.

Đối với việc kiểm nghiệm thực phẩm nhập khẩu, cả nước có 12 đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm nghiệm mặt hàng này, phân bố tại một số địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, nơi có các cảng biển và cửa khẩu quốc tế… Tuy nhiên, trong số các đơn vị trên có tới 7 đơn vị chưa có khả năng kiểm nghiệm được dư lượng kháng sinh trong thực phẩm, 4 đơn vị chưa thực hiện được kiểm nghiệm kim loại nặng và 5 đơn vị chưa thực hiện được việc kiểm nghiệm chất chống oxy hóa.

Dây chuyền sản xuất thịt gà sạch. Ảnh: THÀNH TÂM

Dây chuyền sản xuất thịt gà sạch. Ảnh: THÀNH TÂM

        Yếu toàn diện

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP thừa nhận, nguyên nhân của tình trạng yếu kém trong việc kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP chính là nguồn nhân lực hạn chế, trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu. Hiện nay, tại tất cả đơn vị kiểm nghiệm trên cả nước chỉ có 22% cán bộ xét nghiệm là bác sĩ, trên một nửa kỹ sư hóa. Thậm chí, tại tỉnh Lai Châu và Bình Phước còn không có cán bộ trình độ đại học đảm trách công tác xét nghiệm chất lượng ATVSTP.

Về thiết bị, máy móc kiểm nghiệm mới chỉ có 7 địa phương có hệ thống sắc khí khối phổ để phân tích tồn dư kim loại nặng trong thực phẩm và 38 tỉnh, thành phố có hệ thống phân tích phẩm màu và đường hóa học.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến năng lực kiểm nghiệm tại các địa phương bộc lộ nhiều bất cập là đội ngũ thanh tra còn yếu kém và mắc rất nhiều lỗi trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Khẩn, một trong những lỗi phổ biến nhất trong thanh tra chất lượng ATVSTP là chỉ kiểm tra trên hồ sơ, công bố tiêu chuẩn của sản phẩm, không kiểm tra kho hoặc sản phẩm nên không phát hiện được các chỉ tiêu sai lệch so với công bố và nguyên liệu quá hạn.

Cùng với đó, việc không nắm vững phạm vi thanh tra, kiểm tra nên lực lượng chức năng đã bỏ qua nhiều hành vi vi phạm như: Bắc Ninh, Trà Vinh cho rằng, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thậm chí, tại Bến Tre, khi phát hiện nước uống đóng chai có nhiễm trực khuẩn mủ xanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng thanh tra lại cho rằng không nguy hại nên không công bố kịp thời đến người tiêu dùng…

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định, sự yếu kém của công tác kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ người Việt Nam.

Để có giải pháp khắc phục những yếu kém trên, ông Trịnh Quân Huấn yêu cầu các tỉnh, thành phố nhanh chóng thành lập và đưa vào hoạt động Chi cục ATVSTP nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm nghiệm ATVSTP.

Bộ Y tế cũng khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ một nghị định riêng để xử phạt ATVSTP, lệ phí kiểm nghiệm cũng sẽ thay đổi. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật An toàn vệ sinh thực phẩm để trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. 

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục