Nghịch lý giá thuốc - Bài 2: Lắm trò phù phép

Một viên thuốc từ nhà sản xuất đến tay người bệnh trải qua không biết bao lần bị làm giá. Nói như giám đốc một công ty dược, nếu giá sản xuất chỉ 500 đồng thì người bệnh phải móc túi trả ít nhất 2.500 đồng. Và để cho viên thuốc có giá gấp 5 lần đó, các hãng dược bày ra nhiều trò “ảo thuật”.
Nghịch lý giá thuốc - Bài 2: Lắm trò phù phép

Một viên thuốc từ nhà sản xuất đến tay người bệnh trải qua không biết bao lần bị làm giá. Nói như giám đốc một công ty dược, nếu giá sản xuất chỉ 500 đồng thì người bệnh phải móc túi trả ít nhất 2.500 đồng. Và để cho viên thuốc có giá gấp 5 lần đó, các hãng dược bày ra nhiều trò “ảo thuật”.

  • Lòng vòng mua bán

Theo thống kê danh mục thuốc nhập khẩu của Cục Quản lý dược, hiện Việt Nam phải nhập thuốc hơn 10.000 loại của nước ngoài từ những viên thuốc trị cảm cúm thông thường đến những biệt dược đặc trị. Để trực tiếp nhập thuốc về, chỉ rất ít một số công ty trong nước và nước ngoài được cấp phép (visa).

Theo cán bộ xuất nhập khẩu của một hãng dược ở TPHCM, hầu hết các công ty nhập thuốc về chưa phân phối bán ngay mà mua bán lòng vòng 5 lần 7 lượt. Vị cán bộ này dẫn chứng, sau đó bán lại cho công ty B để ăn chênh lệch, rồi công ty B bán lại cho công ty C… Cứ thế, qua mỗi khâu, lô thuốc tăng giá lên 10%. Tuy nhiên, điều đáng nói là những “phi vụ” mua bán ấy chỉ diễn ra trên giấy, còn thực chất lô thuốc vẫn trong kho công ty A.

Cũng không loại trừ việc mua bán lòng vòng chẳng qua chỉ do một mình công ty A đạo diễn, bởi các công ty kia chỉ là “sân sau”, nhằm lách thuế và hợp pháp hóa khi kê khai giá bán thuốc. Cách đây chưa lâu, Cục Quản lý dược đã thanh tra và phát hiện thuốc Difosfen 30 viên/hộp do Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hà Nội nhập khẩu, rồi sau đó mua bán qua 5 cơ sở, nâng giá bán lên gấp 300% so với giá kê khai.

Bên cạnh đó, một số công ty không được nhập khẩu trực tiếp nhưng nhận thấy thị trường có nhu cầu loại thuốc nào sẽ đặt vấn đề với các công ty được cấp visa để “nhờ” nhập khẩu ủy thác. Chẳng hạn như Công ty dược Sài Gòn (Sapharco) năm 2009 nhập khẩu ủy thác tới 678 tỷ đồng tiền thuốc, sinh phẩm… Và đương nhiên, Sapharco ăn phần trăm trên những hợp đồng nhập khẩu ủy thác. Số phần trăm này được các công ty phân phối tính vào giá thuốc. Sau khi được nhập khẩu ủy thác, các công ty lại “phù phép” giá thuốc qua các khâu lòng vòng mua bán.

Bệnh nhân mua thuốc tại một nhà thuốc bệnh viện.

Bệnh nhân mua thuốc tại một nhà thuốc bệnh viện.

  • Ảo thuật khai giá, độc quyền

Hiện người bệnh khi mua thuốc đều thấy ngoài vỏ hộp có niêm yết giá bán. “Cứ tưởng rằng như vậy là yên tâm vì hàng hóa được khai báo giá đầy đủ, không sợ mua đắt. Nhưng như thế là lầm. Giá đó là do người bán lẻ ghi, còn thực ra đã bị các hãng dược… ảo thuật rồi”, một dược sĩ lão làng ở Sở Y tế TPHCM cho biết.

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thuốc trước khi lưu hành trên thị trường phải được kê khai giá và khi thay đổi giá thuốc phải được kê khai lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam.

Có nghĩa là các hãng dược được thoải mái khai giá bán mà không phải ràng buộc về thặng dư lãi. Ví dụ như gần đây dư luận bức xúc về việc Công ty dược Schering Plough của MSD chi hoa hồng cao cho bác sĩ kê thuốc Peg-intron 50mcg và Peg-Intron 80mcg. Thực chất 2 loại thuốc đặc trị gan này được nhập về Việt Nam thông qua Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II (Phytopharma), sau đó thuốc này được Công ty TNHH Zuellig Pharma phân phối.

Giá được kê khai nhập khẩu năm 2009 của Peg-intron 50mcg khoảng 1,7 triệu đồng/hộp và Peg-Intron 80mcg là 2,7 triệu đồng. Nhưng khi bán ra cho người bệnh, giá Peg-intron 50mcg lên khoảng 2 triệu đồng/hộp và Peg-Intron 80mcg hơn 3 triệu đồng/hộp. Như vậy, chỉ đơn giản qua 3 khâu trung gian, giá 2 loại thuốc trên đã được kê khai tăng lên đáng kể.

Khi kiểm tra ngẫu nhiên một số mặt hàng thuốc nhập khẩu mới đây, Cục Quản lý dược nhận thấy giá nhập khẩu thực tế thường thấp hơn giá kê khai, cá biệt có loại giá nhập khẩu chỉ bằng 50% giá kê khai. So sánh giá nhập khẩu một số mặt hàng với giá bán tại nhà thuốc bệnh viện có sự chênh lệch tới 300%. “Biết vậy nhưng các quy định của Bộ Y tế còn nhiều kẽ hở khiến các hãng dược qua mặt.

Cục yêu cầu khi tăng giá thuốc phải kê khai lại nhưng nhiều hãng dược chẳng kê khai, cứ lấy cớ biến động tỷ giá ngoại tệ và tự ý tăng giá thuốc bất hợp lý. Khi Cục Quản lý dược “thổi còi” thì mới xin hồ sơ kê khai, quá lắm bị xử phạt hành chính… đại khái” - một giám đốc công ty dược thẳng thắn cho biết. Còn yêu cầu giá thuốc kê khai không cao hơn các nước có điều kiện tương tự nước ta, thì liệu Cục Quản lý dược có thường xuyên đi khảo giá mà so sánh!

Một hộp thuốc trị ho dạng viên có giá nhập khẩu khoảng 18.000 đồng nhưng được phân phối độc quyền bởi một hãng dược phẩm nước ngoài có đại diện tại Việt Nam thì nó đã được đẩy giá lên 45.000 đồng. Đó là sự thật mà ngay cả Cục Quản lý dược cũng đành… bó tay và người bệnh chỉ còn nước ngậm ngùi… “viêm màng túi” dài dài. Theo một trình dược viên, cái giá độc quyền bao giờ cũng cao ngất ngưởng bởi hãng dược phải chi hoa hồng, đẩy mạnh quảng cáo và “lót tay”.

Trong những năm qua, “vấn nạn” độc quyền phân phối thuốc không ít lần bị phê phán, chỉ trích nhưng vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Hiện nay, với hơn 10.000 loại thuốc nhập khẩu, Công ty Dược Zuellig Pharma Việt Nam (Công ty mẹ là Zuellig Pharma Singapore) được Bộ Y tế cho phép độc quyền phân phối đại đa số các loại thuốc trên. Sự “tự tung tự tác” của các hãng dược phân phối độc quyền đã thao túng thị trường dược phẩm trong nước, nhất là kê khai giá vô tội vạ

TƯỜNG LÂM

Tin bài liên quan:

 Bài 1: Giá thuốc “cắt cổ” ở bệnh viện

Tin cùng chuyên mục