Hiểm họa vì dùng thuốc bừa bãi

Dư luận đang xôn xao về trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm, Bến Tre, mới 26 tuổi trông như bà lão 80. Dù các chuyên gia y tế đang xác định nguyên cơ của căn bệnh trên nhưng vẫn nghiêng nhiều về khả năng lạm dụng thuốc corticoid lâu dài. Điều đáng ngại là loại thuốc này hiện vẫn được bán, sử dụng tràn lan và thậm chí một số người còn trộn vào trong thuốc đông y.
Hiểm họa vì dùng thuốc bừa bãi

Dư luận đang xôn xao về trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm, Bến Tre, mới 26 tuổi trông như bà lão 80. Dù các chuyên gia y tế đang xác định nguyên cơ của căn bệnh trên nhưng vẫn nghiêng nhiều về khả năng lạm dụng thuốc corticoid lâu dài. Điều đáng ngại là loại thuốc này hiện vẫn được bán, sử dụng tràn lan và thậm chí một số người còn trộn vào trong thuốc đông y.

Chị Phượng bị bệnh lão hóa có khả năng do sử dụng corticoid lâu dài. Ảnh: Tg.LÂM

Chị Phượng bị bệnh lão hóa có khả năng do sử dụng corticoid lâu dài. Ảnh: Tg.LÂM

Bán, sử dụng tràn lan

Trong vai người bố đang có con bị bệnh hen suyễn nặng, chúng tôi ghé vào một nhà thuốc trên đường Thành Thái, quận 10 đề nghị mua thuốc điều trị. Cô nhân viên yêu cầu đơn của bác sĩ nhưng chúng tôi bảo không mang theo nên cứ bán thuốc nào giảm bớt cơn hen là được. Lấy từ trên kệ xuống một hộp thuốc có tên Dexamethason (thường gọi thuốc đề-xa), cô nhân viên nói: “Trong hộp có hướng dẫn sử dụng, chú về đọc kỹ. Uống loại này vô đảm bảo dứt cơn hen liền”.

Tương tự, ghé qua một số nhà thuốc khác trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, chúng tôi cũng được giới thiệu loại thuốc trên. Ngoài ra, một số nhà thuốc còn đưa ra các loại thuốc có tác dụng tương đương như Prednison, Prednisolone, Hydrocortison, Depersolon. Tuy nhiên, khi đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thì các loại thuốc này không chỉ trị các bệnh hô hấp mà còn chống viêm, trị các bệnh xương khớp.

“Mấy loại thuốc này tụi em bán hoài. Ai nổi mẩn ngứa, nhức xương khớp là tụi em bán hà. Cứ uống vô tư đi, chóng lành bệnh lắm”, cô nhân viên một nhà thuốc trên đường Nguyễn Chí Thanh đon đả. Trong khi đó, ngay cả tại các bệnh viện, đơn thuốc mà bác sĩ kê chống viêm nhiễm, dị ứng ngoài da, suy tuyến thượng thận vẫn thường dùng corticoid.

Bác sĩ Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa Khám BV Nhân dân 115 cho biết, hiện các loại thuốc chứa corticoid sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, phải biết sử dụng đúng liều lượng để tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chưa hết, các loại thuốc corticoid còn được lạm dụng trong việc giúp ăn ngon, tăng trọng cho người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Sự thật là có không ít phòng mạch tư đã sử dụng thuốc Glucocorticoid (còn gọi corticoid) để kích thích trẻ ăn và nhanh chóng tăng cân nhằm “mát lòng” các bậc phụ huynh.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM thừa nhận corticoid giúp trẻ ăn ngon, mập mạp hẳn ra. Theo vị bác sĩ này, còn có hiện tượng sử dụng thuốc corticoid chung với thuốc Cyproheptadin (một loại thuốc gây thèm ăn) để làm cho trẻ tăng cân một cách nhanh chóng. “Nhiều bà mẹ thấy con gầy gò, ốm yếu cho rằng suy dinh dưỡng nhưng khi mang đến các phòng mạch tư điều trị khoảng 1 tuần thì da thịt nở ra, béo tốt. Tưởng vậy là hay nhưng thực ra là do các loại thuốc độc hại gây ứ nước là chính”, vị bác sĩ khuyến cáo.

Một cửa hàng kinh doanh đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5. Ảnh: MAI HẢI

Một cửa hàng kinh doanh đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5. Ảnh: MAI HẢI

Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc đông y không rõ xuất xứ vẫn được bán theo kiểu “Sơn Đông mãi võ”, thuốc tễ, cao đơn hoàn tán cũng được trộn lẫn corticoid. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Q3, TPHCM) nhìn nhận, không tránh khỏi một số thầy thuốc đông y chỉ vì lợi ích trước mắt mà gây tác hại cho người bệnh. “Các loại thuốc trị biếng ăn, mất ngủ, đau nhức gân cơ mà cho hiệu quả nhanh chóng thì không loại trừ có trộn thuốc tân dược là đề-xa, corticoid, Cyproheptadin”, lương y Nghĩa cảnh báo.

Do đó, không ít người bệnh khi dùng thuốc Đông y “dỏm” cứ tưởng rằng là “thần dược” nhưng hậu quả lâu dài thì khó tránh khỏi.

Hại đủ đường

Qua thực tế điều trị, BS Phan Dư Lê Thắng (BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM) cũng không khỏi lo lắng vì tình trạng sử dụng corticoid bừa bãi. Mới đây BS Thắng điều trị cho một bệnh nhân viêm khớp ở quận 6 và phát hiện bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng cảm như buồn chán, mệt mỏi, không thể tập trung bởi sử dụng corticoid lâu ngày.

“Một số người mắc bệnh khớp đã trở nên nghiện corticoid do tự mua các loại thuốc điều trị bệnh mà không cần đơn của bác sĩ”, BS Thắng cho biết. Theo các chuyên gia y tế, corticoid hiện dùng rất phổ biến trong điều trị nhiều loại bệnh. Nổi bật với tác dụng giảm triệu chứng đau, ngứa... rất nhanh, do đó người ta hay lạm dụng corticoid để điều trị.

Theo BS Nguyễn Đại Biên, thông thường người ta hay cho thêm corticoid vào thuốc nam, thuốc đông y để làm giảm triệu chứng nhanh, nhanh tăng cân hoặc tiêm corticoid tác dụng kéo dài để điều trị hen phế quản, đau nhức... Tuy nhiên, do corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể làm rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ ở mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ bị béo phì, mà cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên Cushing).

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Phượng, mới 26 tuổi nhưng đã như bà lão, được các chuyên gia y tế nhận định do tác dụng phụ của corticoid.
 
Song song với tác dụng phụ gây béo phì, các chuyên gia y tế còn khuyến cáo corticoid có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác là: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, giảm sự đề kháng của cơ thể đưa đến dễ nhiễm trùng (dễ bị bệnh lao, nếu đã bị bệnh lao sẽ làm nặng thêm)...

Thậm chí, theo Bệnh viện Mắt TPHCM, tình trạng sử dụng thuốc nhỏ mắt vô tội vạ như Polydexa, Neodex, Polydecaron, Dexacol chứa corticoid cũng có thể làm mờ mắt, mù mắt. Đặc biệt do khi dùng thuốc corticoid sẽ làm ức chế tuyến thượng thận dẫn đến tình trạng suy giảm khả năng bài tiết corticoid. Lúc đó cơ thể hay mệt mỏi, nôn ói, nặng hơn nữa có thể gây huyết áp thấp hay tụt huyết áp…

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục