Chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam

*Tổng kiểm tra 60 chợ đầu mối gia cầm, thu thập 18.000 mẫu để xét nghiệm *Cần hơn 120 triệu USD để phòng chống dịch cúm H7N9

*Tổng kiểm tra 60 chợ đầu mối gia cầm, thu thập 18.000 mẫu để xét nghiệm
*Cần hơn 120 triệu USD để phòng chống dịch cúm H7N9

(SGGPO).- Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tiến hành xét nghiệm hơn 500 mẫu gia cầm thu thập được tại các trọng điểm buôn bán gia cầm ở biên giới, tuy nhiên, tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9.

Đó là thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định tại hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam tổ chức sáng nay, 6-5, tại Hà Nội.

Mặc dù vậy, nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất cao. Để tiếp tục tăng cường phòng ngừa, và có thể phát hiện sớm, tại cuộc họp sáng nay, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt một chương trình giám sát khác sẽ được triển khai trên quy mô cả nước từ hôm nay, và sẽ triển khai trong suốt tháng 5-2013. Theo đó, cơ quan thú y sẽ tiến hành kiểm tra tại 60 chợ đầu mối và chợ gia cầm sống trong cả nước, tập trung tại các tỉnh biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam thuộc Tây Nam bộ và Đông Nam bộ… thu thập khoảng 18.000 mẫu gia cầm để xét nghiệm virus cúm A/H7N9. Cơ quan được giao “truy tìm” virus cúm A/H7N9 là Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương.

Đồng thời, nhằm đối phó với chủng cúm A/H7N9 mới xuất hiện ở Trung Quốc, tại hội nghị tổ chức sáng nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế đã kêu gọi các đối tác quốc tế giúp đỡ Việt Nam huy động nguồn lực để phát hiện sớm và phòng chống dịch cúm A/H7N9.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, hiện đã xây dựng được 4 “kịch bản” về sự xuất hiện của dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam, song cần kinh phí để triển khai các hoạt động như tuyên truyền, chẩn đoán và điều trị dịch bệnh, trang bị máy móc, cơ sở hạ tầng y tế phòng chống dịch là 114,783 triệu USD (trong đó 36,356 triệu USD là nguồn đầu tư của Chính phủ Việt Nam, còn lại là do quốc tế hỗ trợ).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị tổng kinh phí cần thiết để triển khai các hoạt động phòng chống dịch thuộc phạm vi, lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 5,570 triệu USD. Tổng cộng là hơn 120 triệu USD. Bước đầu, các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới… đã cam kết hỗ trợ một phần kinh phí.

PHÚC HẬU

>> Nguy cơ cúm chồng cúm

>> Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo virus siêu cấp của Trung Quốc có thể gây đại dịch toàn cầu

Tin cùng chuyên mục