Dịch Ebola đang lan nhanh

Đã qua 6 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận ca mắc đầu tiên do virus Ebola, đến nay đã có 8.470 trường hợp mắc, trong đó có đến 4.076 trường hợp tử vong.
Dịch Ebola đang lan nhanh

Đã qua 6 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận ca mắc đầu tiên do virus Ebola, đến nay đã có 8.470 trường hợp mắc, trong đó có đến 4.076 trường hợp tử vong.

 Đây là dịch bệnh nguy hiểm và chưa có dấu hiệu dừng lại khi đã lây lan sang cả nước Mỹ, châu Âu cũng như chưa có biện pháp phòng chống, điều trị hữu hiệu và vaccine phòng ngừa.

Diễn tập phòng chống dịch Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Việt Nam chưa ghi nhận

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh do virus Ebola tiếp tục gia tăng cả về số mắc và số tử vong tại 6 quốc gia châu Phi, 1 trường hợp xác định Ebola tại Mỹ và 1 tại Tây Ban Nha. WHO cũng ghi nhận trong tuần qua tăng thêm 306 trường hợp mắc và 168 trường hợp tử vong. Tích lũy từ tháng 12-2013 đến ngày 11-10, thế giới đã ghi nhận 8.470 trường hợp mắc, trong đó 4.076 trường hợp tử vong. Cụ thể, Guinea (1.350 trường hợp mắc, trong đó 778 trường hợp tử vong);  Liberia (4.076 trường hợp mắc, 2.316 trường hợp tử vong);  Sierra Leone (2.950 trường hợp mắc, trong đó 930 trường hợp tử vong); Nigeria (20 trường hợp mắc, 8 trường hợp tử vong);  Senegal (1 ca đang điều trị); Mỹ (2 trường hợp mắc, 1 người tử vong); Tây Ban Nha (1 ca đang điều trị); Cộng hòa Congo (71 trường hợp mắc, 43 trường hợp tử vong). Điều đáng nói, đã ghi nhận 424 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó 241 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Ebola. Thống kê cho thấy, kể từ ngày 11-8 đến đầu tháng 10-2014, các cơ quan kiểm dịch y tế đã cách ly, giám sát gần 250 hành khách nhập cảnh từ vùng dịch Ebola ở châu Phi. Trong đó có hơn 40 người mang quốc tịch Việt Nam trở về từ các quốc gia có dịch, đa số có điểm xuất phát từ các nước như Liberia, Nigeria và Senegal. Tất cả các trường hợp được cách ly tại bệnh viện và theo dõi giám sát y tế tại địa phương đều nhập cảnh về Việt Nam qua đường hàng không quốc tế ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội).

Dễ mắc Ebola

Theo Cục Y tế dự phòng, virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới. Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, drap trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo. Ngoài ra, trong một vụ dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm là thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola; người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng…

Làm sao biết mắc Ebola?

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày.

Tuy nhiên, để xác định chính xác có mắc Ebola, bệnh nhân cần được xét nghiệm. Theo Bộ Y tế, với những trang thiết bị và đội ngũ cán bộ xét nghiệm hiện có, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM có đầy đủ năng lực để tiếp nhận kỹ thuật và thực hiện các xét nghiệm. Tuy nhiên tác nhân gây bệnh Ebola là tác nhân tối nguy hiểm, đòi hỏi phải đảm bảo an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khi xét nghiệm. Tại Việt Nam, hiện nay đã có 2 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Chủ động phòng ngừa

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết (quốc gia vùng Tây Phi: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria); nếu phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ebola. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.

Đối với khách du lịch, WHO khuyến cáo: Tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Cán bộ y tế đi làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn. Nếu đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên. Nhân viên chăm sóc y tế cho khách du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do virus Ebola.

Dễ lây nhiễm, khó điều trị

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, phải bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp. Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

3 kịch bản phòng chống dịch Ebola

Bộ Y tế đã đưa ra kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam theo 3 tình huống: Tình huống 1, khi chưa ghi nhận ca bệnh (phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam phải xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng); tình huống 2, khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập (khoanh vùng xử lý ổ dịch, điều trị tích cực để hạn chế tử vong và lây lan ra cộng đồng); tình huống 3 khi dịch lây lan trong cộng đồng (đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng).

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục