Giám sát chặt người về từ vùng dịch Ebola

° Một người Việt về từ Liberia tự nguyện đến bệnh viện
Giám sát chặt người về từ vùng dịch Ebola

° Một người Việt về từ Liberia tự nguyện đến bệnh viện

(SGGP).- Ngày 21-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết đã làm thủ tục xuất viện cho 2 người quốc tịch Nigieria đến từ vùng dịch Ebola sau 2 ngày theo dõi sức khỏe không còn biểu hiện sốt và kết quả các xét nghiệm thường quy (máu, bệnh phẩm…) không có dấu hiệu bất thường của bệnh dịch Ebola. 2 hành khách này đã được phát hiện bị sốt và cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ngày 19-8 khi đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, 2 vị khách nói trên đã được về cộng đồng và Sở Y tế TPHCM đã thông báo đến địa phương nơi lưu trú theo dõi, giám sát trong vòng 21 ngày…

Khu cách ly bệnh nhân Ebola tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cũng ghi nhận một trường hợp tự nguyện vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM kiểm tra sức khỏe vì từ vùng dịch Ebola trở về. Đó cũng là hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19-8. Vị khách này là anh Đặng Duy M. (25 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức). Anh M. từ vùng dịch Liberia về nước trên chuyến bay số hiệu TK68 của Hãng hàng không Turkish Airlines hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo ghi nhận, anh M. là kỹ sư đang thi công tại một công trình ở Liberia. Trước khi anh M. về nước, khu vực anh đang làm việc có nhiều bệnh nhân mắc Ebola tử vong nên công ty đã quyết định tạm dừng công việc để công nhân trở về nước. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, anh Duy M. đã vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xin được hỗ trợ y tế.

Theo thông tin anh M. cung cấp cho Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức thì trong ngày 19-8, ngoài anh ra còn có 19 đồng nghiệp làm cùng công trình về nước trên chuyến bay TK68.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh do virus Ebola, do đó biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết (đó là 4 quốc gia vùng Tây Phi: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria).

Nếu phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ebola; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.

TƯỜNG LÂM

- Sức khỏe 2 người đến từ vùng dịch Ebola ổn định

Tin cùng chuyên mục