Nếu vaccine dịch vụ dùng nhiều như Quinvaxem cũng sẽ có tai biến

Nếu vaccine dịch vụ dùng nhiều như Quinvaxem cũng sẽ có tai biến

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

(SGGP).- Đây là những thông tin chia sẻ với báo chí của PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế trước việc khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim suốt thời gian qua. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã lường trước được việc khan hiếm vaccine dịch vụ nên đã yêu cầu Cục Quản lý Dược đi các nước để đàm phán nhưng đều nhận được câu trả lời không có, không thể cung ứng ngay được.

Nếu vaccine dịch vụ dùng nhiều như Quinvaxem cũng sẽ có tai biến ảnh 1

Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã khống chế và đẩy lùi được nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Việt Nam đã đặt hàng nhưng họ chưa có. Sau rất nhiều đàm phán, gây áp lực, công ty sản xuất mới lấy một lượng nhỏ từ các nơi họ phân phối để có số lượng vaccine dịch vụ Pentaxim cho Việt Nam về thời gian gần đây.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định vai trò và hiệu quả rất to lớn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã giúp Việt Nam khống chế và đẩy lùi được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời cũng khẳng định độ an toàn, chất lượng và hiệu quả của vaccine “5 trong 1” Quinvaxem được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. “Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã lo cho nhân dân đủ vaccine tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine Quinvaxem. Chúng tôi đã thống kê, tiêm dịch vụ vaccine “5 trong 1” chỉ chiếm 8%, trong khi tiêm chủng mở rộng vaccine Quinvaxem chiếm đến 92% trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine này. Nhưng nhờ tiêm chủng mở rộng, Việt Nam hiện đã thanh toán được bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm khác hàng trăm, hàng ngàn lần...” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.

Trước một số ý kiến đề nghị thay thế vaccine Quinvaxem, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành Y tế vẫn lo đủ Quinvaxem cho trẻ em. Còn tại các thành phố lớn, người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng ký tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm, cũng giống như việc ra nước ngoài chữa bệnh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường. Nếu thay vaccine Quinvaxem bằng Pentaxim trong tiêm chủng mở rộng, với số lượng 4,5 triệu mũi/năm thì chắc chắn tai biến cũng xảy ra.

Dẫn chứng cho nhận định này, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với vaccine Quinvaxem, thế giới cũng đã chứng minh, phản ứng nặng của vaccine Quinvaxem cũng như các vaccine khác là như nhau. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem thì chắc chắn cũng có tỷ lệ tai biến. Nhưng đến nay, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 liều Pentaxim cho 33.000 trẻ, còn Quinvaxem là 4.500.000 liều/1,5 triệu trẻ. Hơn nữa khi tiêm kháng nguyên lạ vào cơ thể, bao giờ cơ thể cũng phản ứng. Trường hợp thứ nhất, tạo ra kháng thể, tạo miễn dịch. Trường hợp thứ hai, cơ thể phản ứng quá mạnh gây sốc phản vệ. Với sốc phản vệ, có thể tử vong ngay nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó tiêm vaccine nào thì tỷ lệ tử vong ít nhất cũng từ 1-4 trẻ/1 triệu liều. Trong khi một ngày, dù không tiêm gì, ít nhất cũng có 30-50 trẻ trên khắp đất nước tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Vậy chọn cái nào? Các bà mẹ nên hết sức cân nhắc. Nếu không tiêm vaccine, mỗi năm có thể có hàng trăm ngàn trẻ mắc dịch bệnh, số tử vong ít nhất 100 - 200 trẻ hoặc cao hơn. Còn với tiêm vaccine, cả cộng đồng gần như không bị mắc bệnh hoặc mắc rất nhẹ và rất ít tử vong...” - Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục