Y Moan thắp “Ngọn lửa cao nguyên”: Một lần và mãi mãi

Tối mai, 6-8, tại Trung tâm Văn hóa Âu Cơ – Hà Nội, một đêm nhạc tôn vinh dành cho giọng hát của NSƯT Y Moan được tổ chức trong sự chờ đợi và trân trọng từ phía công chúng. Đây có lẽ là live show đầu tiên và cũng là cuối cùng của Y Moan, bởi tiếng ca huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên đã bị ung thư giai đoạn cuối.
Y Moan thắp “Ngọn lửa cao nguyên”: Một lần và mãi mãi

Tối mai, 6-8, tại Trung tâm Văn hóa Âu Cơ – Hà Nội, một đêm nhạc tôn vinh dành cho giọng hát của NSƯT Y Moan được tổ chức trong sự chờ đợi và trân trọng từ phía công chúng. Đây có lẽ là live show đầu tiên và cũng là cuối cùng của Y Moan, bởi tiếng ca huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên đã bị ung thư giai đoạn cuối.

Live show được tiến hành gấp gáp trong sự ủng hộ của đồng nghiệp và sự kỳ vọng của Y Moan. Đã lâu lắm rồi, Y Moan mơ ước có một live show và một album cá nhân, nhưng cuộc sống bộn bề khiến dự định ấy phải dời đi dời lại không biết bao nhiêu lần. Vì vậy, live show lấy tên “Ngọn lửa cao nguyên” ít nhiều nói lên khát khao được bùng cháy rực rỡ và hiến dâng của một niềm đam mê ca hát.

Từ khi tiễn Y Moan về lại quê nhà Đắc Lắc giữa những tiếng thở dài bất lực của các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM, tôi luôn muốn viết một điều gì đó về anh, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.

Nói về tiếng hát Y Moan thì nhiều người đã biết, mà nói về cơn bạo bệnh đang từng ngày đe dọa cướp đi sinh mạng Y Moan thì thật là chuyện buồn nao lòng không nỡ đề cập đến.

Bạn bè và đồng nghiệp ủng hộ Y Moan thực hiện live show “Ngọn lửa cao nguyên”.

Bạn bè và đồng nghiệp ủng hộ Y Moan thực hiện live show “Ngọn lửa cao nguyên”.

Tôi quen Y Moan khoảng hơn 10 năm trước. Dạo ấy, Y Moan đang sung sức, cứ vài ba tháng lại chạy show xuống Sài Gòn. Dịp nào có mặt ở thành phố phương Nam, anh cũng gọi cho tôi, nhưng chẳng mấy khi trò chuyện lâu được, vì Y Moan hát xong đêm hôm trước thì sáng hôm sau vội vàng quay về… lo cho cái rẫy cà phê.

Y Moan bảo: “Cứ đến Ban Mê Thuột, nói tìm Y Moan thì ai cũng có thể đưa đến tận nhà”. Tôi đã thử nhiều lần, quả nhiên, dù người lái taxi ở sân bay hay người hành nghề xe ôm ở bến xe đều rất thông tỏ con đường đến thôn Dhă Prong, nơi Y Moan cư ngụ. Hình như đối với người dân ở xứ sở này, Y Moan không khác gì một niềm tự hào hoặc một thần tượng của họ.

Tôi cũng từng ghé qua rẫy cà phê 4 ha tại Cư Mgar của Y Moan và chứng kiến anh lao động quần quật như một nông dân thực thụ. Để lo cho hai cậu con trai Y Vôn và Y Garia theo học thanh nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Y Moan tự tay làm tất cả, từ chọn mua giống cà phê cho đến phát cỏ, bón phân và cả việc chở cà phê đi bán. Y Moan phân tích: “Mấy người thương lái thấy mình là nghệ sĩ nên thương, trả tiền sòng phẳng lắm. Nhờ vậy, nuôi được con, sửa được nhà”.

Nhờ cần cù, Y Moan có một cơ ngơi khá đẹp. Vài năm gần đây, Y Moan treo tấm biển có chữ “Ây Sa Wa” trước cổng, để thông báo cho mọi người biết mình đã thành ông của đứa cháu tên là Sa Wa. Trong căn nhà rộng rãi, Y Moan dành một góc trang nhã để trưng bày các nhạc cụ Tây Nguyên mà bản thân sưu tầm được. Nhiều vật dụng sinh hoạt truyền thống của người Ê-đê như ghế cổ M Dho, chổi Gie Hvar, rìu Chrong… cũng được Y Moan cất công đi tìm mang về giao cho con gái duy nhất Hdrehdel chăm nom.

Y Moan dự định, sau khi làm xong bảo tàng nhỏ để gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình, sẽ thực hiện một CD gìn giữ những bài hát làm nên tên tuổi mình. Thế nhưng, dự định ấy đang dang dở thì chứng ung thư quái ác đổ ập xuống số phận anh, như một định mệnh trớ trêu.

Phải sống bằng nước truyền qua tĩnh mạch chứ không còn ăn uống được, Y Moan chua chát: “Mình không ngờ một người trời sinh âm vực rộng như mình mà bây giờ cố gắng để dành hơi cho đủ sức hát một live show duy nhất trong đời!”. Chắc chắn nghe được lời thổ lộ này, những ai từng yêu mến Y Moan không tránh khỏi sự nghẹn ngào.

Riêng tôi, trước giờ Y Moan thắp lên “Ngọn lửa cao nguyên” ở thủ đô, tôi bỗng nhớ về cái buôn lặng lẽ nằm ở ngoại ô Ban Mê Thuột. Nơi đó, có một buổi tối sáng trăng, Y Moan kể: Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có đến 7 anh em. Cơm không đủ ăn, sức đâu mà lội bộ đến trường, Y Moan nghỉ học cuối năm lớp 6, theo cha lên nương. Đất nước giải phóng, đoàn văn công của tỉnh Đắc Lắc về buôn biểu diễn.

Tình cờ nghe Y Moan hát, nhạc sĩ Kpa Púi sững sờ và đề nghị: “Mày nên đi theo tao để làm ca sĩ”. Người cha của Y Moan đang cuốc đất, liền ngừng tay: “Mày đi đi, Y Moan”. Năm ấy, Y Moan 18 tuổi. Và chỉ một năm sau, với bài hát “Gánh thóc vào kho”, Y Moan giành được Huy chương vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1976. Từ đó, làng âm nhạc Việt Nam có một giọng ca độc đáo. Y Moan không giống ai, mà cũng không ai bắt chước Y Moan được.

Với những bài hát nồng nhiệt chất liệu Tây Nguyên như “Ơi, Madrac”, “Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột”, “Đôi chân trần”… giọng ca của Y Moan bay khắp mọi miền đất nước và trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp đại ngàn. Y Moan luôn tâm niệm: “Ca sĩ của Tây Nguyên mỗi lần hát lên phải như rừng nghiêng xào xạc, như suối reo róc rách, như thác đổ ì ầm”. Và Y Moan đã làm được như vậy. Live show “Ngọn lửa cao nguyên” chỉ là một lần Y Moan hát, một lần cho mãi mãi dư âm. 

LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục